Chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng
90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ, như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF... mới đây cùng kiến nghị Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam.
Cụ thể, trong thư gửi Tổng thống Joe Binden, CEO các nhãn hàng hàng đầu của Hoa Kỳ nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ. Theo đó, ngành da giày, dệt may Hoa Kỳ phụ thuộc trực tiếp và rất lớn vào “sức khỏe” của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Do đó, nếu khôi phục nhanh chóng các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, thông qua chương trình cung cấp vắc-xin, sẽ giảm thiểu nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực, ngành hàng có liên quan đến thị trường và doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Mối lo của các nhãn hàng lớn của Hoa Kỳ trước đợt dịch Covid-19 bùng phát nhiều tháng qua tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, bởi không ít nhà máy dệt may tại Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất chính yếu cho các nhãn hàng Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour.
Sau 26 năm thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được thiết lập, Việt Nam hiện đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho Hoa Kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 lên gần 75,7 tỷ USD năm 2019.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam cho thấy, năm 2020, dù xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019.
7 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ.
Bà Lynne Gadkowski, Tham tán Kinh tế (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, vượt qua cả Ấn Độ và Pháp.
Cải thiện cán cân thương mại
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, về bản chất, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ, cùng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ để thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị chất lượng.
Giá trị nhập khẩu hàng từ Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam lập nhà máy và gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.
Việc Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước vấn đề về gian lận thương mại.
Chưa kể, Việt Nam đang xếp thấp nhất trong các nước ASEAN-6 về nhập khẩu từ Hoa Kỳ với 14,37 tỷ USD trong năm 2019 và 13,7 tỷ USD năm 2020. Do đó, trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam gặp phải một số thách thức, bởi thặng dư thương mại tăng mạnh cả về tỷ trọng và tốc độ; Việt Nam cũng chịu thách thức trong việc kiểm soát gian lận xuất xứ.
Cần phải nói thêm, thời gian qua, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, như tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 8 vụ với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ nhận định rằng, thâm hụt thương mại không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều và đánh giá tích cực những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề này. Theo đó, Việt Nam cần nhanh chóng xử lý những vấn đề tồn tại và không làm phát sinh thêm những vấn đề mới trong quan hệ song phương.
Nguồn: báo Đầu tư