Ngày 4/8, CTCP Giải pháp Năng lượng VINES (VinES) được thành lập với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn Vingroup là 51% của VinES. Địa chỉ của VinES là Tòa nhà văn phòng Symphony, KĐT sinh thái Vinhomes Riverside, Phường Phúc Lợi, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Ngành nghề kinh doanh chính của VinES là sản xuất pin và ắc quy. Với chiến lược phát triển mảng hoạt động xe điện VinFast của Vingroup, lĩnh vực kinh doanh của VinES sẽ bổ trợ cho chiến lược của tập đoàn.
Chưa rõ công nghệ được áp dụng trong VinES để sản xuất pin điện là gì, nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu tại Anh và Mỹ mới đây đã tìm ra cách để tái chế pin xe ô tô điện, qua đó giúp giảm chi phí và lượng khí thải carbon ra môi trường, theo Channel News Asia.
Nhiều người cho rằng mặc dù xe điện giúp giảm lượng khí thải ra môi trường nhưng nguồn pin được sử dụng cho các loại xe này lại gây hại đối với môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Khi chính phủ các quốc gia đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xe điện đang tăng cao, những nghiên cứu mới này có thể giúp đạt bước tiến lớn, qua đó giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay những khu vực khó khai thác vì những vấn đề liên quan đến mặt pháp lý.
"Chúng ta không thể tái chế các sản phẩm phức tạp như pin theo cách chúng ta tái chế các kim loại khác", Gavin Harper, một nhà nghiên cứu tại Viện Faraday ở Anh cho biết.
Các phương pháp tái chế phổ biến hiện nay cũng dựa vào việc cắt nhỏ pin thành những mảnh rất nhỏ, được gọi là black mass, sau đó được xử lý thành các kim loại như coban và niken.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Leicester và Đại học Birmingham đang thực hiện dự án ReLib cùng Viện Faraday đã tìm ra cách sử dụng sóng siêu âm để tái chế cực âm và cực dương mà không cần cắt nhỏ. Hiện họ cũng đã đăng ký bằng sáng chế cho nghiên cứu của mình.
Công nghệ thu hồi bột cực âm được tạo thành từ coban, niken và mangan từ tấm nhôm được dán trong quá trình sản xuất pin. Bột cực dương, thường là than chì, được tách ra khỏi tấm đồng.
Andy Abbott, một giáo sự tại Đại học Leicester cho biết việc phân tách bằng sóng siêu âm sẽ tiết kiệm khoảng 60% chi phí so với các vật liệu nguyên sinh.
So với các công nghệ thông thường, dựa trên luyện kim thủy lực, sử dụng chất lỏng, chẳng hạn như axit sulfuric và nước để chiết xuất vật liệu, ông Abbott cho biết công nghệ siêu âm có thể xử lý vật liệu pin hiệu quả gấp 100 lần.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Abbott đã tách các tế bào pin theo cách thủ công để kiểm tra quy trình, trong khi dự án ReLib sử dụng robot để tách pin và đóng gói lại cho thấy hiệu quả cao hơn.
Tại Mỹ, một dự án do chính phủ tài trợ có tên là ReCell đã mang đến những kết quả thử nghiệm hứa hẹn. Đây là dự án phục vụ cho mục đích tái chế pin để giảm thiểu chất thải ra môi trường
Jeff Spangenberger, người đứng đầu dự án ReCell đã nghiên cứu nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả sóng siêu âm, nhưng tập trung vào các phương pháp sử dụng nhiệt và dung môi.
"Mỹ không sản xuất nhiều cực âm, vì vậy nếu chúng tôi sử dụng thủy luyện hoặc luyện kim, chúng tôi phải gửi các vật liệu tái chế đến những nước khác để biến chúng thành cực âm mới và vận chuyển trở lại Mỹ", ông Spangenberger nói.
"Các phương pháp mới tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các nhà tái chế cần phải được thúc đẩy mạnh hơn".
Ông Spangenberger đồng thời cũng chia sẻ có những thách thức đối với việc tái chế trực tiếp, bao gồm cả việc xây dựng các nhà máy hóa học.
Các tế bào pin xe điện ban đầu thường sử dụng cực âm với lượng niken, mangan, coban bằng nhau hoặc theo tỷ lệ 1-1-1. Điều này đã thay đổi trong những năm gần đây khi các nhà sản xuất tìm cách giảm chi phí và hóa chất cathode theo tỷ lệ có 5-3-2, 6-2-2 hoặc 8-1-1.
Cách tiếp cận tại dự án ReLib của Viện Faraday là kết hợp tái chế với vật liệu nguyên chất để có được tỷ lệ niken, mangan và coban theo yêu cầu.