Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đến năm 2025 Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh công nghiệp đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, trọng tâm là tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ cao; nâng cao năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt phát triển dịch vụ chất lượng cao. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... Đây được xác định là công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
Trên lĩnh vực dịch vụ thương mại, Vĩnh Phúc định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại.
Đáng chú ý, địa phương xác định phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề này, địa phương sẽ chú trọng triển khai làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để hộ gia đình, cá thể kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng giai đoạn trước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 7,1%/năm. Quy mô GRDP tăng cao, trong đó, năm 2020 ước đạt 122,68 nghìn tỷ đồng; gấp 1,56 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 105 triệu đồng năm 2020. Đi cùng với đó, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước.
Trên lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, địa phương đạt mức cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra và luôn đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa.
Điểm đáng chú ý, qua 5 năm (2015-2020), cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế.
Đối với các ngành dịch vụ, phát triển ổn định, chất lượng ngày càng được nâng lên, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng của các ngành dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,21%/năm
Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, với việc không ngừng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, do vậy, Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng bình quân 1,8%/năm. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; dồn thửa đổi ruộng đang được triển khai ra diện rộng.
Từ đây, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng quy trình VietGAP đạt hiệu quả cao. Đồng thời, năng suất, hiệu quả sản xuất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng. Trong đó, giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha, giá trị thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác./.