name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, ổn định sản xuất

14/07/2021335

Nhu cầu lớn nhưng khó tuyển

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện các khu công nghiệp (KCN) tỉnh có 261/341 DN đã hoạt động trở lại với 69,4 nghìn/167 nghìn lao động vào làm việc. Đây là kết quả hỗ trợ tích cực của Ban Chỉ đạo Khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Cũng theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để đáp ứng kế hoạch sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, hiện có 122 DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng hơn 60 nghìn vị trí việc làm, chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, điện tử. 

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH), dù có thể đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch khi đón công nhân trở lại làm việc nhưng thực tế hiện nay, DN khó tuyển nhân công, nhất là lao động phổ thông. Nguyên nhân nguồn cung khan hiếm một phần do lao động thuộc các vùng cách ly song phần lớn do công nhân có tâm lý lo ngại dịch, chưa muốn quay lại làm việc.

Trở lại sản xuất từ giữa tháng 6, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, xã Hồng Thái (Việt Yên) hiện đã duy trì việc làm ổn định cho 2,1 nghìn lao động. Để bảo đảm vừa sản xuất, vừa phòng dịch, công ty áp dụng nghiêm ngặt quy trình quản lý công nhân trong nhà xưởng. Ngoài 180 lao động đăng ký đi xe ô tô được đưa đón theo phương án đã được ngành chức năng phê duyệt, số công nhân còn lại di chuyển bằng phương tiện cá nhân đều chấp hành ký cam kết thực hiện “2 điểm” (nơi ở - nhà máy, không dừng đỗ). Bên cạnh đó, bố trí lại khu vực sản xuất, chia nhỏ giờ ăn để cố định vị trí ngồi, bảo đảm giãn cách; phun khử khuẩn mỗi ngày một lần toàn bộ nhà xưởng, phòng ăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính cho biết: "Hiện chúng tôi còn thiếu hơn 500 công nhân mới bảo đảm kế hoạch sản xuất. Giải pháp tạm thời hiện nay là đề nghị lao động tăng ca một giờ/ngày. Công ty đã liên lạc để mời lại số lao động cũ, chủ yếu tại các tỉnh ngoài (Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang) nhưng hầu hết họ đều e ngại, chưa muốn quay lại. Còn khi tuyển lao động mới, công ty lại lo lắng về khâu kiểm soát dịch bệnh".

Mới ổn định lại sản xuất từ đầu tháng 7, Công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam (KCN Đình Trám) đã thông báo tuyển dụng khoảng 300 công nhân với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng, chỉ yêu cầu về sức khỏe, chấp nhận đào tạo tay nghề sau khi ký hợp đồng. Đặc biệt, hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR một lần/tuần để bảo đảm an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Nhất, phụ trách nhân sự, hầu như không có lao động đến ứng tuyển. Nếu tình trạng này kéo dài, DN sẽ rất khó để hoàn thành các đơn hàng hiện có.

Tuyển dụng trực tuyến để phòng dịch

Trước thực tế trên, Tổ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về lao động (thuộc Ban chỉ đạo Khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh) đang tập trung cao, chủ động phối hợp với các huyện, TP tháo gỡ vướng mắc, giúp các DN gọi và đón công nhân. Dù tạm hoãn phiên giao dịch việc làm trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với vai trò kết nối, hỗ trợ DN tuyển lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vẫn nhận đăng ký tuyển dụng trên website, fanpage của đơn vị. 

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã mở lại sàn trực tiếp và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch trong quá trình tổ chức. Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ lao động tại các vùng thực hiện quy định cách ly giải quyết hồ sơ qua bưu điện; toàn bộ số lao động này đều được cán bộ trung tâm tư vấn việc làm để nhanh chóng quay lại thị trường lao động.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Fuhong Precision Component (thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải) tổ chức buổi hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, xét nghiệm PCR trước khi ký hợp đồng với gần 200 lao động đã phỏng vấn trực tuyến trước đó. Ông Phạm Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyển dụng công ty cho biết: Thay vì nhận hồ sơ trực tiếp như trước đây, thông qua kết nối, xác nhận người ứng tuyển, chúng tôi xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn trực tuyến. Sau đó, DN sàng lọc hồ sơ, ghi chú lại những thông tin phù hợp với vị trí công việc và hẹn lịch lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, bảo đảm an toàn khi đón công nhân vào nhà máy. 

Chia sẻ về hình thức tuyển dụng này, anh Lý Văn Quang, xã Tam Tiến (Yên Thế) nói: “Được hướng dẫn tận tình nên tôi chỉ thực hiện vài thao tác đã có thể đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến. Khi đã qua vòng phỏng vấn, công ty hẹn lịch và có xe đón đến địa điểm lấy mẫu, hỗ trợ tất cả thủ tục liên quan, nhất là cung cấp giấy xác nhận để công nhân di chuyển bằng phương tiện cá nhân thuận tiện trong quá trình đến nơi làm việc và về nhà”.

Dù việc tuyển lao động làm việc trở lại đang rất cần kíp đối với nhiều DN nhưng theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH, hoạt động tuyển dụng vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, bảo đảm an toàn, ổn định khi DN khôi phục sản xuất. Sở tiếp tục nắm bắt nhu cầu, tổ chức kết nối trực tuyến hoặc qua các phiên giao dịch việc làm lưu động để hỗ trợ DN tuyển lao động; phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương và DN tổ chức xét nghiệm sàng lọc, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng dịch với lao động ứng, trúng tuyển. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại DN để bảo đảm an toàn sức khỏe cho công nhân; giúp các DN ổn định sản xuất.

Nguồn: Báo Đầu tư online

0945719795