Nhờ tính kết nối của các tỉnh thành phụ cận được cải thiện đáng kể từ các dự án hạ tầng đang được thi công như: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Dầu Giây - Phan Thiết tại phía Nam; cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Ninh Bình – Hải Phòng tại phía Bắc..., bất động sản công nghiệp đang chứng kiến xu hướng di chuyển ra các tỉnh thành phụ cận TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo báo cáo khảo sát khách thuê Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, các nhà kho tại khu vực vệ tinh gần/trong phạm vi đô thị lớn được dự kiến sử dụng nhiều nhất trong ba năm tới do các chi phí vận tải và nhân công tăng cao đi kèm với tác động của Covid-19.
Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Khó khăn vừa qua cho thấy sự cần thiết trong việc đa dạng địa điểm sản xuất, mở rộng kho hàng và đặc biệt là nhóm kho lạnh cho hàng hóa thực phẩm, nông sản. Việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam nhận xét, về triển vọng của thị trường các khó khăn trong ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết, thị trường duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn với kế hoạch mở rộng của các nhà máy nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo CBRE Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là thị trường quan trọng trong 3 năm tới của các chủ đầu tư và khách thuê công nghiệp và kho vận. Ngoài ra, nhu cầu sản xuất bền vững và các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang được các khách thuê quan tâm khi xây dựng nhà xưởng mới.
Chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang hiện đại
Cùng với sự dịch chuyển ra ngoài trung tâm, các khu công nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng đổi mới để trở nên phát triển và hấp dẫn hơn, nhằm đón đầu xu hướng vốn đầu tư nước ngoài đổ về. Sự dần chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại là một trong những thay đổi lớn nhất.
Theo đó, thay vì sử dụng mô hình truyền thống, hiện nay các khu công nghiệp đã chuyển sang mô hình khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Không chỉ vậy, việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Kết hợp với sự chuyển đổi này, một khía cạnh đang ngày càng được chú trọng và trở thành xu hướng trong giai đoạn tới sẽ là yếu tố xanh. Việc duy trì chất lượng môi trường sống khi kết hợp giữa sản xuất và khu dịch vụ, tiện ích, nhà ở trong cùng một dự án là cực kỳ cần thiết.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng dự án bất động sản xanh đúng nghĩa vẫn chưa thực sự nhiều, nhất là ở phân khúc bất động sản công nghiệp, mặc dù đã được tuyên truyền khuyến khích. Tuy vậy, sự xuất hiện của Trần Anh Group tiên phong ứng dụng hạng mục xanh trong dự án Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại là một số tín hiệu khá tích cực cho thị trường hiện nay. Dự án này mang đến khá nhiều kỳ vọng về một không gian sống và làm việc theo các tiêu chuẩn hiện đại, tiện nghi và chất lượng.
Tại miền Bắc, các nhà đầu tư cũng đang đẩy mạnh phát triển mô hình bất động sản phức hợp. Điển hình như Tập đoàn LH Hàn Quốc đang bày tỏ mong muốn đầu tư dự án công nghiệp, đô thị và dịch vụ phức hợp Đại Hưng quy mô 304 ha, tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD tại Hải Dương. Công ty IDICO dự kiến sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp đô thị dịch vụ Vinh Quang với diện tích 495 ha tại Hải Phòng.
Ngoài các tỉnh công nghiệp truyền thống, thị trường bất động sản đô thị công nghiệp dịch vụ cũng chứng kiến sự phát triển mô hình phức hợp ở các thị trường mới. Điển hình là dự án nghiên cứu đầu tư tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, với diện tích khoảng 496 ha tại tỉnh Yên Bái do Tổng công ty Viglacera đề xuất./.