9 tháng đầu năm, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có xu hướng mở rộng, dịch chuyển điểm sản xuất hay loại hình xây sẵn cho thuê tăng trưởng mạnh, cùng với đó là một số thương vụ mua bán sáp (M&A) nhập quan trọng. Sôi động các thương vụ M&A
Mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, thế nhưng hoạt động của lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có xu hướng được mở rộng hoặc dịch chuyển địa điểm sản xuất.
9 tháng đầu năm chứng kiến một số thương vụ sáp nhập quan trọng cùng với sự xuất hiện thêm các tài sản để bán và cho thuê lại. Về tình hình cho thuê, nguồn cầu về loại hình bất động sản công nghiệp xây sẵn tăng trưởng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đang dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.
Trong quý III/2020, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra sôi động mặc dù thị trường còn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam - ông John Campbell,cho biết: “Điển hình cho xu hướng này là Tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam, “Gã khổng lồ” kho bãi Châu Á – GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hay Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...”.
Còn trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Đặc biệt trong quý 3/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD. Tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron (Đài Loan).
"Điều quan trọng là một số các nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam hơn, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra", ông John nhấn mạnh.
Do nhu cầu cho phân khúc này đang rất lớn, đặc biệt ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm nên nguồn cung chưa đủ. Tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt 76% trên toàn quốc. Tại các trung tâm công nghiệp chính như Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở miền Nam và Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng ở miền Bắc, loại hình này đã tăng đáng kể kể từ năm 2018.
Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.
Tỉnh Đồng Nai dự kiến quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp. Cụ thể, huyện Long Thành đã công bố kế hoạch xây dựng 4 khu công nghiệp mới. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm 2 khu công nghiệp, quy mô 900ha, và một khu 500ha. Các xã Tân Hiệp và Bình An cũng có thêm một khu công nghiệp.
Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản công nghiệp có thể được chứng kiến các nhà đầu tư và người thuê gấp rút hoàn tất các cuộc đàm phán cũng như đạt được các thỏa thuận song phương với các đơn vị phát triển bất động sản.
"Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy các các nhà đầu tư phải chốt giá nhanh chóng", các chuyên gia Savills Việt Nam kỳ vọng.
(Nguồn: tapchitaichinh.vn)