Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam trong năm vừa qua và được dự báo sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.
“Ông lớn” hé lộ kết quả kinh doanh ấn tượng
Năm 2022, bất động sản công nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi giá thuê liên tục tăng cùng với tỷ lệ lấp đầy cao, giúp lợi suất đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) đứng ở tốp dẫn đầu trong các phân khúc bất động sản hiện tại.
Trong số các “ông lớn” bất động sản công nghiệp, phải kể đến Tổng công ty Viglacera. Năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế mảng cho thuê KCN của Viglacera ước đạt 1.622 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm và tăng 57% so với năm 2021.
Xuất phát điểm của Viglacera là sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng những năm gần đây, bất động sản lại là lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Riêng năm 2022, bất động sản công nghiệp chiếm hơn 70% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Viglacera.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2023, Viglacera sẽ khảo sát và phát triển một số KCN mới tại các địa phương có vị trí thuận lợi. Đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ nâng tổng số KCN lên con số 20, trong đó, các KCN mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.
Tương tự, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Công ty cổ phần cũng hé lộ kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2022. Mới đây, công ty này cho biết, sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt từ công ty con là Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) với tỷ lệ lên tới 330%.
Hoạt động chính của SHP là cho thuê đất đã được hoàn thiện hạ tầng, cho thuê hoặc bán nhà, nhà xưởng, kinh doanh các dịch vụ KCN, khu dân cư đô thị. SHP có vốn điều lệ 416 tỷ đồng, Kinh Bắc nắm 86,54%, tương đương 3,6 triệu cổ phiếu. Như vậy, số tiền cổ tức mà Kinh Bắc nhận được ước tính khoảng 1.188 tỷ đồng, giúp Tổng công ty có thêm dòng tiền mới để thực hiện các kế hoạch đầu tư KCN.
Dù chưa đến thời điểm công bố kết quả kinh doanh năm 2022, nhưng vẫn có thể dự đoán kết quả kinh doanh khả quan của Kinh Bắc qua 3 quý trước đó. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, tổng doanh thu năm 2022 của Kinh Bắc có thể đạt 2.985 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3.044 tỷ đồng.
Loạt doanh nghiệp hưởng lợi nhờ quỹ đất lớn
Ngoài Viglacera, Kinh Bắc, hàng loạt doanh nghiệp khác trong ngành như Cao su Phước Hòa, Becamex IDC, Sonadezi Châu Đức, Nam Tân Uyên cũng được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng mảng nhà kho, nhà xưởng xây sẵn nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Trong báo cáo về ngành bất động sản công nghiệp mới đây, VNDirect dự báo, Công ty Cao su Phước Hòa vẫn có khả năng duy trì ổn định mặc dù tiến độ chuyển đổi quỹ đất sẽ chậm lại trong năm tới, với mục tiêu phát triển 5 KCN với tổng diện tích hơn 2.700 ha trong giai đoạn 2026 - 2030. VNDirect kỳ vọng, Cao su Phước Hòa sẽ ghi nhận khoản thu nhập một lần khoảng 207 tỷ đồng vào quý I/2023, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận ròng.
Theo dự báo, các nhà phát triển KCN có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong 2 năm tới do quy trình phê duyệt dự án chậm và nguồn vốn hạn chế. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê như Becamex IDC.
Becamex IDC là một trong những nhà phát triển KCN lớn (với 6 KCN đang hoạt động trên diện tích hơn 4.000 ha), đồng thời là nhà phát triển KCN niêm yết có quỹ đất lớn (khoảng 944 ha). VNDirect dự báo, lợi nhuận ròng của Becamex IDC sẽ tăng mạnh trong năm 2022 - 2023, với mức tăng lần lượt là 58,2% và 84,7% so với năm trước.
Trong khi đó, Sonadezi Châu Đức có ưu thế trong việc nắm bắt nhu cầu bất động sản công nghiệp ngày càng tăng ở phía Nam và lợi thế từ công ty mẹ là Tổng công ty Sonadezi đang thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Diện tích cho thuê của KCN Châu Đức vẫn được đảm bảo duy trì ổn định trong các năm tới. VNDirect ước tính, diện tích có thể cho thuê của KCN này vào khoảng 581 ha, sẽ tiếp tục được cho thuê khoảng 40 - 60 ha mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2032. Mặc dù bàn giao chậm hơn dự kiến, mảng bất động sản nhà ở của Sonadezi Châu Đức được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng với tỷ lệ đóng góp doanh thu trong giai đoạn 2023 - 2024 lần lượt là 28,3% và 43%.
Đối với Nam Tân Uyên, dù trong năm 2022, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận doanh thu đạt 268.4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 256,26 tỷ đồng, chỉ đạt 97,5% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng trong năm 2023, Nam Tân Uyên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ nguồn cung dự án mới.
Trong một cuộc họp cổ đông mới đây, Ban lãnh đạo Công ty Nam Tân Uyên cho biết, nút thắt trong phê duyệt pháp lý cho KCN Nam Tân Uyên giai đoạn II (với tổng diện tích 346 ha đã được giải quyết.
Như vậy, Công ty có khả năng ghi nhận lợi nhuận từ KCN mới này từ đầu năm 2023. VNDirect dự báo, lợi nhuận ròng năm 2023 của Nam Tân Uyên sẽ tăng 242% so với năm 2022, lên mức 857 tỷ đồng, nhờ đóng góp của KCN mới.
Nguồn: báo Đầu tư