Những năm qua, thị trường bất động sản miền Trung được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển nhanh, cùng với đó là sự đa dạng loại hình từ nhà ở, văn phòng, nghỉ dưỡng, logistics, bất động sản thương mại…
Nêu nhận định tại diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” mới đây, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W Việt Nam) cho rằng, ngoài tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản miền Trung còn nhiều hơn nữa những tiềm năng có thể phát triển và khai thác trong tương lai.
Bà Trang cho hay, năm 2021, riêng khu vực miền Trung đã có một điểm nóng, đó là tiếp nhận đầu tư của liên doanh giữa VSIP - Amata - Sumitomo làm dự án khu công nghiệp gần 500 ha tại Quảng Trị. Đây là ba nhà đầu tư hàng đầu của Singapore, Nhật Bản và của Thái Lan đã có những đầu tư rất nổi bật tại khu vực miền Nam. Hoạt động đầu tư này đánh dấu cho sự góp mặt của các nhà đầu tư vào thị trường miền Trung, vào các mảng sản xuất tiềm năng cao, mang lại sự thúc đẩy kinh tế và xuất nhập khẩu khá lớn cho khu vực này.
“Ở khía cạnh bất động sản khu công nghiệp, miền Bắc có tổng nguồn cung khoảng 10.000 ha đất khu công nghiệp. Miền Trung cũng xấp xỉ gần bằng miền Bắc, lớn nhất vẫn là miền Nam. Trong đó, có phân khúc bất động sản nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn mà ở miền Trung hiện đang phát triển, để tập trung phục vụ cho các nhu cầu tăng cao.
Một điểm đáng chú ý nữa với miền Trung đó là tiềm năng loại hình bất động sản hội nghị. Điển hình như, Hội nghị APEC Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2017 ở miền Trung, mà tiềm năng này, miền Nam và miền Bắc chưa thể phát triển được.“Trong ba năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu ở khu vực miền Trung bắt đầu tăng trưởng, có những tỉnh, thành phố tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Vì thế trong tương lai, phân khúc bất động sản công nghiệp, cũng như nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn phục vụ cho các chuỗi cung ứng bắt đầu có sự tăng trưởng ở khu vực này” - bà Trang Bùi đánh giá.
Điểm đặc biệt đáng chú ý hơn cả là về cảng biển, hiện nay Việt Nam có 17 cảng biển, với công suất lớn nhất ở miền Trung. Trong tương lai, các cảng này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa. Ngoài ra, miền Trung còn được nhìn nhận là cửa ngõ hành lang kinh tế Đông Tây kết nối trực tiếp miền Trung đi qua Thái Lan và Myanma. Theo đó, cửa ngõ này khá quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách.
“Ngoài những thuận lợi kể trên, miền Trung còn rất phù hợp cho ngành sản xuất xanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn hướng tới để bảo vệ môi trường. Từ đó sẽ hình thành nhà kho xanh, nhà xưởng xanh và khu công nghiệp xanh, cùng với đầu tư lớn của VSIP- Amata - Sumitomo sẽ là những nhà đầu tư tập trung vào hướng này, mang lại những điểm tích cực thúc đẩy tiềm năng rất tốt cho khu vực miền Trung” - bà Trang dự báo.
Tiềm lực của thị trường bất động sản miền Trung đã được chứng minh khi vẫn giữ vững phong độ, không có dấu hiệu giảm giá trong dịch bệnh. Sau các lệnh nới lỏng giãn cách được áp dụng, từ khoảng tháng 10, thị trường bắt đầu có những hoạt động trở lại, mang theo những kỳ vọng mới đối với giới đầu tư.
Sớm bước chân vào thị trường bất động sản miền Trung, bà Đào Thị Thu Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Virex, Alphanam Group cho rằng, cần có sự nhận thức về hướng đi và trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp thì thị trường bất động sản miền Trung sẽ phát triển mạnh mẽ, bùng nổ đúng tầm…, trong năm 2022.
Ở góc nhìn khác, ông Lưu Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Saco chia sẻ từ thực tiễn cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản miền Trung nói riêng hiện đang có rất nhiều cơ hội và thách thức. Cụ thể, đối với lĩnh vực phát triển bất động sản đất nền trong thời gian vừa qua và định hướng cho năm 2022, có rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu. Thị trường đang rất tốt với khả năng rất hấp thụ ổn định, nhưng thực tế chỉ đáp ứng đâu đó khoảng 60 - 70% nhu cầu thực tế.
Lý giải về nguyên nhân thị trường tốt, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng 60 – 70%, ông Tuấn cho rằng, cơ chế chính sách ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa được thông thoáng, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, như một số nghị định, thông tư hoặc pháp luật điều chỉnh bất động sản chưa cập nhật với tình hình thực tế.
Cũng theo chuyên gia này, có một thực tế nữa đang xảy ra là các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận dự án lớn ở miền Trung, thì khâu pháp lý cho các nhà đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ như thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ, hay các dự án lớn ở miền Trung cũng có những dự án mang tầm quốc gia, quốc tế được đầu tư với tổng số tiền rất lớn, cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những dự án chưa đúng mức để thu hút cho các nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư rất muốn Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng có những gói kích cầu để hỗ trợ cho nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp tham gia đầu tư, phân phối các dự án tại địa bàn trên dải đất miền Trung. Từ đó có thể biến tất cả các tiềm năng, lợi thế thành kết quả, đưa bất động sản miền Trung nói riêng và kinh tế của miền Trung lên một tầm cao mới” - ông Tuấn đề xuất.
Các đô thị với quy mô lớn đã được xây dựng khắp miền Trung; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối mạnh mẽ với 12 sân bay, trong đó có tới 6 sân bay quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có hệ thống cảng biển quốc gia, phục vụ các khu công nghiệp, phát triển giao thương quốc tế như Thanh Hóa - cảng Nghi Sơn, Nghệ An – cảng Cửa Lò, Hà Tĩnh - cảng Vũng Áng, Thừa Thiên Huế - cảng Chân Mây, Đà Nẵng - cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa; Bình Định - cảng Nhơn Hội; Phan Thiết – cảng Hòn Rơm…, các chuyên gia cho rằng, đây là điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến với bất động sản miền Trung.
Nguồn: báo Tài chính