Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp (Học viện Tài chính), trong năm 2020, 2021 thị trường bất động sản trầm lắng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm bất động sản giao dịch giảm sút một cách rõ rệt. Tuy nhiên, một số phân khúc bất động sản giá vẫn tăng mà không giảm.
Giá bất động sản tăng do nhiều nguyên nhân, trước hết là nguồn cung bất động sản năm 2021 giảm rất nhiều do đại dịch Covid-19. Rất nhiều dự án bất động sản bị chậm lại hoặc bị hoãn do lao động thực hiện giãn cách, cùng với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm cho nhà đầu tư chậm lại quá trình thi công và giải ngân.
Tiếp đến, nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản thời gian qua đã không còn nhà đầu tư nóng hoặc dùng đòn bẩy tài chính, gần như tháo chạy khỏi thị trường. Những nhà đầu tư còn lại dùng dòng tiền thật, họ không cấp thiết phải đẩy hàng trong điều kiện nhận thấy sản phẩm ít đi trên thị trường. Trong khi đó, khả năng lạm phát tăng lên, nhiều người giữ tài sản lại không bán, do vậy bất động sản tăng giá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống, một bộ phận người gửi tiền chuyển việc đầu tư tiền gửi ngân hàng sang lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Bất động sản được coi là tài sản vừa sinh lời vừa chống được lạm phát. Đồng thời, nguồn vốn thu được từ thị trường chứng khoán tăng lên rất mạnh trong năm 2021, nhiều người “cắt lời”, tính bảo toàn tài sản, rút vốn từ thị trường chứng khoán đầu tư vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường không sôi động, nhưng vẫn có chiều hướng dòng tiền đổ vào và giá tăng ở một số phân khúc bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ nhận định, bất động sản vừa qua tăng trái với quy luật bình thường, khi kinh tế phát triển thì thị trường bất động sản phát triển theo, vì bất động sản là một bộ phận cấu thành nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp từ kinh tế vĩ mô.
Có một số yếu tố làm thị trường bất động sản tăng giá phi mã, biến động lớn, do dòng tiền rẻ, lãi suất ngân hàng và nguồn tiền hỗ trợ của Chính phủ cũng chảy vào bất động sản. Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến một số lĩnh vực đầu tư không hiệu quả, nên nhiều người có tiền chuyển hướng sang tích lũy tài sản an toàn như bất động sản.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, một số nhà đầu tư thành công đã rút một phần tiền chuyển sang bất động sản. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản không nhiều, do vào thời điểm siết lại quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bất động sản vẫn là thị trường hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, và sẽ là thị trường tạo ra đột phá. Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tăng nóng trong thời gian tới, với đà thu hút FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mới.
Bên cạnh đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng sẽ nóng lên trong năm 2022, nếu như Việt Nam tổ chức tốt sống chung với đại dịch và mở cửa du lịch, dịch vụ theo lộ trình, đến tháng 7/2022 thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển.
Còn phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình cũng có thể tăng lên khi chính sách được hoàn thiện, đi vào thực thi; phân khúc đất nền phát triển bình thường và sẽ không tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận Nguyên cứu và phát triển (R&D) của DKRA Việt Nam, dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản sẽ vẫn rất tích cực, dự báo nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua tương đương cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh.
Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn, nguồn cung mới và thanh khoản có thể tăng trưởng có chọn lọc. Những dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi thì lượng tiêu thụ tích cực hơn năm trước, nhưng cũng sẽ không có sốt bất động sản trong năm 2022.
Còn theo ông Toản, thị trường bất động sản vùng ven các đô thị lớn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… có khoảng cách di chuyển dưới 1h vẫn thu hút nhiều người có nhu cầu mua sản phẩm nhà thứ hai, họ vừa sử dụng để ở, vừa khai thác kinh tế.
Trong năm 2022, gói kích thích kinh tế 15 tỷ USD của Chính phủ được Quốc hội thông qua, sẽ tạo ra tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, số tiền hỗ trợ sẽ chảy sang thị trường chứng khoán và các lĩnh vực khác cũng giúp thị trường bất động sản được hưởng lợi, dự báo khi gói kích thích kinh tế thông qua sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2022 tươi sáng.
Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, việc dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản, dư nợ tín dụng bất động sản phải kiểm soát chặt chẽ, nếu để dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản quá lớn sẽ dẫn đến xảy ra bong bóng bất động sản./
Nguồn: báo Đầu tư