Nhiều giải pháp đã được triển khai
Theo báo cáo tình hình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gửi tới Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với doanh nghiệp, các địa phương sáng nay (26/9), để tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính) đã dự thảo Thông tư quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Dự thảo thông tư đang được hoàn thiện để gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo các cục hải quản về bố trí đủ số lượng cán bộ để làm việc trong cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ, đảm bảo thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định.
Liên quan đến yêu cầu tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc gạo, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn 5747/NHNN-TD. Sau 1 tháng thực hiện, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.
Ngay từ đầu tháng 9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng đã liên tục làm việc trực tuyến với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt, các giải pháp giảm tiền điện, giảm giá cước viễn thông đã được thực hiện từ tháng 8/2021 với tổng giá trị 5 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.
Về các giải pháp đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức giao ban hàng tuần với 63 Sở Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt. Đến nay, giấy nhận diện phương tiện được cấp tự động trên phần mềm khoảng 592.691 xe…
Doanh nghiệp muốn gì?
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được chưa giải quyết triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn chấp thuận các các văn bản scan, gửi trực tuyến (online) để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4. Tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025.
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.
Về phía các địa phương, cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Nguồn: báo Hải quan