Trên thị trường chứng khoán, dòng cổ phiếu BĐS ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index và giữ tỷ trọng vốn hóa thứ hai thị trường, sau dòng cổ phiếu ngân hàng. Theo thống kê của SSI trong năm 2020, có 72/110 cổ phiếu bất động sản tăng giá, trong đó có 52 cổ phiếu tăng tối thiểu 20% dù trãi qua một năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh.
Ông Hoàng Văn Thọ, Chuyên gia phân tích ngành bất động sản của CTCP Quản lý Quỹ Dragon Capital cho biết, nửa đầu năm nay không có sóng cổ phiếu bất động sản. Thay vào đó, mỗi doanh nghiệp có câu chuyện riêng, một số doanh nghiệp kinh doanh tốt nên giá cổ phiếu tăng trưởng.
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhóm cổ phiếu BĐS đã không có được độ "hot" trên thị trường như nhóm ngân hàng, chứng khoán hay thép. Nhưng thực tế, làn sóng tăng giá của các cổ phiếu BĐS vẫn âm thầm diễn ra, thậm chí nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh hơn thị trường chung.
Trong đó, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes ghi nhận mức tăng xấp xỉ 30% từ đầu năm. VHM cũng vừa tạo nên lịch sử trong phiên 13/8 khi đóng cửa tại 120.000 đồng/cp - mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp lên sàn, qua đó đưa vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán với gần 402.000 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) ghi nhận mức tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm với nhiều phiên bứt phá mạnh. Đỉnh điểm trong phiên sáng 29/4, cổ phiếu NVL lần đầu đạt 132.000 đồng/cp, cao hơn giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tại cùng thời điểm.
Nhóm vốn hoá thấp hơn như cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã tăng gần 120% kể từ đầu năm. Trong phiên 7/7, cổ phiếu PDR đóng cửa tại 96.200 đồng/cp, vùng giá cao nhất lịch sử niêm yết.
Tương tự, cổ phiếu AGG của An Gia tăng 80%; cổ phiếu NLG của Nam Long, DIG của DIC Corp và KDH của Khang Điền đều có mức tăng xấp xỉ trên 50%, HDG của Hà Đô và DPG của Đạt Phương cũng tăng hơn 40%,...
Riêng mảng BĐS khu công nghiệp (KCN), phần lớn cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này đều có diễn biến tích cực trong những tháng đầu năm, trong đó có KBC, LHG, SZC,…
Lý giải đà tăng giá cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: "Dòng tiền luôn có xu hướng chảy vào chỗ trũng. Khi nhà đầu tư nhận thấy tốc độ tăng trưởng của một số nhóm ngành chậm lại thì sẽ dịch chuyển sang những nhóm ngành mới có dư địa phát triển cao hơn.
Bên cạnh đó, thông thường điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp rơi vào quý III và quý IV nên thời gian gần đây nhóm cổ phiếu này được quan tâm trở lại".
Còn theo ông Hoàng Văn Thọ, cổ phiếu của một số doanh nghiệp như Phát Đạt, Novaland, Nam Long,... tăng trưởng, đi ngược lại với khó khăn chung của thị trường nhờ có các dự án chuyển tiếp từ những năm trước.
Hiện tại, dịch COVID-19 kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay đã và đang tác động rất lớn đến tình hình bán hàng của doanh nghiệp BĐS và thanh khoản chung của thị trường. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư có thể thận trọng hơn đối với các cổ phiếu bất động sản trong thời gian tới, nhất là giai đoạn công bố báo cáo tài chính trong hai quý cuối năm.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thọ nhận định: "Nếu doanh nghiệp có sản phẩm đã được bán ở nửa đầu năm hoặc từ năm ngoái thì dù không bán được hàng trong giai đoạn giãn cách vẫn có lợi nhuận tốt trong quý III".
Do vậy, chuyên gia Dragon Capital đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận mà nên xem xét cả hai yếu tố: Doanh số bán hàng, lợi nhuận thực tế hiện tại và tiềm năng.
Trong đó, Chuyên gia Dragon Capital cho rằng chắc chắn doanh số của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong quý III bởi rất ít người mua online BĐS, có thể chỉ có vài nghìn giao dịch. Rất khó có trường hợp hoàn hảo là bán hàng và lợi nhuận đều tốt. Nếu năm nay bán hàng không được, khả năng lợi nhuận trong khoảng hai năm tới sẽ bị giảm.
Xét về thị trường chung, ông Thọ cho rằng ngành BĐS có đặc thù riêng, khác với ngân hàng hay chứng khoán, trong đó mỗi doanh nghiệp có khi lại có chu kỳ riêng. Do vậy, khi xem xét đầu tư một cổ phiếu BĐS, nhà đầu tư nên nhìn chu kỳ của từng cổ phiếu và so sánh với quá khứ, đánh giá tiềm năng, luồng thông tin sắp tới của cùng doanh nghiệp.
"Có khi cả ngành đi lên chỉ vì một hai mã cổ phiếu lớn đi lên nhưng những mã nhỏ thì lại đi xuống. Trong một rổ có 10-20 cổ phiếu, nhà đầu tư xem xét từng nhóm cổ phiếu (Large Cap, Mid Cap, Small Cap) được định giá ra sao, doanh nghiệp bán hàng có tốt không và khả năng ghi nhận lợi nhuận như thế nào?...", ông Thọ phân tích.
Với góc nhìn của chủ đầu tư, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao tài chính Novaland đánh giá thách thức COVID-19 chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Các doanh nghiệp BĐS, trong đó có Novaland đã chuẩn bị kế hoạch rất chi tiết cho ba tháng cuối năm để bù lại những tháng trong giai đoạn giãn cách.
"Có thể hụt về kế hoạch chung của thị trường, tuy nhiên doanh nghiệp cũng chuẩn bị kế hoạch tung ra sản phẩm mới, kế hoạch tài chính,… để chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 cũng như tìm kiếm cơ hội mới từ thị trường trong quý cuối năm để làm bàn đạp cho năm sau.
Doanh nghiệp đã bỏ lỡ ba tháng (6-7-8) vì lý do khách quan nên phải gồng mình chạy hết công suất vào ba tháng cuối năm. Thị trường được kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại sau khi bị nén quá lâu", ông Phiên cho hay.
Nguồn: Báo Đầu Tư