Trong một cuộc họp của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) với các chuyên viên phân tích tổ chức mới đây, ban lãnh đạo công ty đã chia sẻ về triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm. Theo đó, với sự gián đoạn trong đợt bùng phát dịch hiện tại, ban lãnh đạo VHC không mấy khả quan trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, hiện nhu cầu thị trường Mỹ vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng và doanh nghiệp cũng đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với 65% công suất (so với công suất bình thường là khoảng 85%), nên VHC khẳng định khó khăn hiện tại không nằm ở nhu cầu hay nguồn cung.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa vẫn đối mặt với thách thức do thiếu hụt container rỗng, dẫn tới khó khăn trong quản lý chi phí, nhiều đơn hàng bị kẹt tại các cảng biển.
Từ thông tin được chia sẻ tại cuộc họp trên, SSI Research cho biết, kể từ khi chi phí vận chuyển toàn cầu bắt đầu tăng từ tháng 10/2020, VHC đã phải ký nhiều đơn đặt hàng loại CIF hơn để giữ mối quan hệ lâu dài với các nhà nhập khẩu, do đó, công ty chịu gần như toàn bộ chi phí vận chuyển.
Mặc dù ban lãnh đạo đang nỗ lực đàm phán nhiều đơn đặt hàng FOB hơn cho hợp đồng tháng 10/2021 sắp tới, nhưng nếu giá cước vẫn cao thì hai bên vẫn sẽ cùng chịu chi phí vận chuyển. Do đó, SSI Research cho rằng sự phục hồi của VHC sẽ chậm hơn dự kiến trong quý 3/2021 do tốc độ vận chuyển đơn hàng giảm nhanh và chi phí tăng đối với việc lưu kho tại cảng biển và chi phí vận tải biển.
Cũng liên quan tới cước phí logistics, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng đã đưa ra đề nghị Chính phủ thanh kiểm tra, can thiệp kịp thời để các hãng tàu không lũng đoạn về giá và phí như trong thời gian hơn 1 năm qua. “Hiện cước tàu tăng không kiểm soát, các doanh nghiệp bị động, hàng hóa vẫn phải sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng do cước tàu quá cao, khách hàng chậm lấy hàng dẫn đến tồn kho lớn. Doanh nghiệp không đủ dòng tiền và sụt giảm doanh thu mạnh” – Hiệp hội Nhựa cho biết.
Thời gian qua do hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động được từ 30-50% công suất nhà máy. Trong khi ngành nhựa nhập khẩu đến 85% nguyên vật liệu về để sản xuất. Vì vậy, nguyên liệu nhập về cảng nhưng chưa kịp sản xuất, doanh nghiệp phải lo kéo về kho. Trong khi kho bãi nhà máy hiện đã dành hết cho công nhân ăn nghỉ nên các doanh nghiệp đã tốn thêm chi phí thuê kho bãi bên ngoài để kéo hàng về. Hiện các hãng tàu cho lưu container từ 14-21 ngày trong khi lưu bãi chỉ có 5 ngày. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đề nghị các hãng tàu cho kéo dài thời gian lưu bãi bằng thời gian lưu cont để các doanh nghiệp tránh phát sinh chi phí.
Cước vận tải quốc tế đang trở thành gánh nặng, gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bảng tin tháng 7 của Công ty TNG cũng đã đề cập tới việc thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã tác động đến tổng doanh thu tiêu thụ của TNG trong tháng 7. Theo đó, tổng doanh thu tháng 7 của TNG chỉ bằng 98% so với cùng kỳ năm trước, đạt 595 tỷ đồng.
Trong quý 3/2021, việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thiếu container và chi phí vận chuyển tăng. Nhiều đơn đặt hàng được giữ tại các cảng biển chờ các container chất đầy cho đến khi có thể được vận chuyển. Do đó, chi phí lưu kho tăng lên càng gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các công ty xuất khẩu.
Trong báo cáo cập nhật ngành logistics và cảng biến mới đây, SSI Research chỉ ra rằng, hầu hết các công ty ở Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CIF và xuất khẩu theo điều kiện FOB. Các công ty xuất khẩu theo điều kiện FOB không phải chịu phí vận tải trực tiếp nhưng phải chia sẻ chi phí vận chuyển gia tăng bằng cách giảm giá bán bình quân. Do đó, các công ty xuất nhập khẩu có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao tới các thị trường Mỹ, châu Âu sẽ chịu giá bán bình quân trên tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do ảnh hưởng này. Tác động mạnh nhất là những ngành có giá trị hàng hóa thấp như thủy sản và nông nghiệp.
Đối với nhập khẩu, dù 82% tổng kim ngạch nhập khẩu cua Việt Nam đến từ châu Á – với tốc độ tăng giá cước vận tải thấp hơn đáng kể, song SSI Research nhận thấy rằng một số nguyên liệu sản xuất nhập khẩu như đậu nành (100% từ châu Mỹ), ngô (80% từ châu Mỹ), bông (78% từ châu Mỹ), thức ăn chăn nuôi (70% từ châu Mỹ) và sữa (40% từ châu Âu và châu Mỹ) cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, các công ty nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu, Mỹ (như Vinamilk, đường Quảng Ngãi, Dabaco) cũng chịu mức giá cao hơn. Riêng tại Vinamilk, ước tính chi phí vận chuyển chiếm khoảng 1 -2% trong giá CIF nguyên liệu đầu vào, do đó tác động đến tỷ suất lợi nhuận sẽ hạn chế so với các ngành xuất khẩu khác.
Nguồn: HQ online