Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngày 6/10, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) và Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy cơ hội của các nhà đầu tư là khách hàng, đối tác của EY Việt Nam trên toàn thế giới mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo Biên bản ghi nhớ, FIA sẽ cung cấp cho EY thông tin về các định hướng và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Đồng thời, FIA cũng sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư do EY Việt Nam giới thiệu thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành các thủ tục đầu tư - kinh doanh theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, xem xét giải quyết hoặc phản ánh kiến nghị của các nhà đầu tư đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
EY Việt Nam sẽ chủ động giới thiệu và đề xuất các nhà đầu tư tiềm năng là khách hàng, đối tác của EY trên toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. EY Việt Nam cũng sẽ phối hợp với FIA tổ chức các sự kiện hội thảo, hội nghị, tọa đàm với các nhà đầu tư là khách hàng, đối tác do EY Việt Nam giới thiệu, tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng sự kiện.
Theo khảo sát của EY Capital Confidence Barometer thực hiện đầu năm 2020, 74% các doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho rằng họ sẽ thay đổi chuỗi cung ứng hiện có sau đại dịch Covid-19. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ dự định này.
EY Việt Nam sẽ cung cấp cho FIA các thông tin cập nhật về xu hướng đầu tư, thương mại tại khu vực và toàn cầu; hỗ trợ trong việc đưa ra các nghiên cứu chiến lược để đánh giá cơ hội, mô hình đầu tư hiệu quả, giải pháp thực hiện tại Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong bối cảnh việc thu hút FDI vào Việt Nam có nhiều thuận lợi. Các doanh nghiệp đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng như giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia nhất định.
(Nguồn: baodautu.vn)