name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Đã đến lúc xây dựng kịch bản để từng bước mở cửa nền kinh tế

13/09/2021293

“Tắt – bật” đã không còn phù hợp

Đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, phát biểu tại toạ đàm "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19”, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN cho biết, từ kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, họ không đợi đến đợt bùng phát dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, mới áp dụng quy trình sản xuất an toàn, phòng ngừa Covid, mà họ đã áp dụng từ trước đó, vào năm 2020. Do đó, đến khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, khả năng chống chịu của những doanh nghiệp này tốt hơn những doanh nghiệp trong nước chưa có điều kiện chuẩn bị.

Nhưng những doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN trong quá trình bùng phát dịch lần thứ 4, đáng lý ra vẫn hoạt động được nhưng vì họ không hoạt động đơn độc, mà phụ thuộc vào môi trường các địa phương, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nên khi địa phương đóng cửa, các doanh nghiệp cũng không thoát được, chịu ảnh hưởng chung.

Khi đưa ra một hình “3 tại chỗ”, về mặt tuyên truyền, phải hết sức thận trọng vì doanh nghiệp Việt xuất hàng đi các thị trường tiêu chuẩn cao về lao động như Mỹ, EU, nếu có những cáo buộc chúng ta sử dụng lao động cưỡng bức sẽ rất căng thẳng. Bởi việc cho công nhân, người lao động ăn ngủ tại cơ sở sản xuất, như luật của Mỹ mà nói, là lao động cưỡng bức.

Chính vì vậy, ông Vũ Tú Thành cho rằng, nếu Việt Nam không đảm bảo kỳ vọng của các thị trường trọng yếu, hay không đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung đang có hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, Chính phủ Mỹ cũng như doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác không thể duy ý chí mãi. Họ không thể hỗ trợ một quốc gia, một thị trường nào đó không nhìn thấy hiệu quả.

Do đó, theo ông Thành, Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải là sắp tới, mà ngay từ bây giờ và có kế hoạch rõ ràng. Câu chuyện “tắt-bật” nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, bởi đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định và khả năng dễ đoán định. Tư duy “tắt-bật”, nới ra xong thắt vào, chỉ đúng dưới góc độ y tế để đáp ứng nhu cầu chống dịch. Còn dưới góc độ kinh doanh, không thể hoạt động được.

Quan trọng nhất vẫn là vắc xin

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 với nền kinh tế, doanh nghiệp, là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt là không để giảm, hạn chế tối đa giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Những chỉ đạo này rất quyết liệt, vì nếu chỉ cần hàng dệt may sang chậm hàng, không kịp mùa Noel năm nay hoặc vụ Xuân - Hè sang năm thì thị trường Mỹ sẽ đi đặt hàng chỗ khác ngay. Ta sẽ mất thị phần, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2022.

"Chúng tôi cũng dự báo khó khăn với hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dừng lại quý 4/2021 mà có lẽ hợp đồng theo thời vụ cả ở quý 1/2022. Nếu chúng ta có 150 triệu liều vắc xin từ nay đến hết tháng 12/2021 thì hết quý 1/2022 mới hết khó khăn, còn nếu không có vắc xin thì sẽ tốn rất nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Kiên cho biết thêm.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ 6/9 vừa qua, bên cạnh báo cáo kinh tế- xã hội 8 tháng và dự kiến 4 tháng còn lại, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có các biện pháp hỗ trợ cụ thể, trình cơ quan có thẩm quyền để năm 2022, 2023 phục hồi được kinh tế, cuối năm 2023 hồi phục trở lại như thời điểm tháng 12/2019.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, tất cả những điều này đều dựa trên nền chuyển từ “Zero Covid” sang sống chung với Covid-19, có phương tiện để chuyển từ đại dịch thành dịch cúm thông thường, đến mùa lại bùng phát theo tiêu chuẩn của WHO nên vắc xin cần có để còn phát triển kinh tế. Chính phủ cũng thành lập tổ để từ nay cuối năm cố gắng bằng tất cả các nguồn từ ngoại giao nhân dân, Chính phủ, qua các doanh nghiệp để tiếp cận được các nguồn vắc xin.

“Nhưng nếu không có vắc xin, Việt Nam không tự lực được thì tất cả các kịch bản kinh tế mà chúng tôi xây dựng lên đều có nguy cơ bị phá. Phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn y tế lẫn vĩ mô mới có thể hỗ trợ cho kinh tế phát triển được”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Để có thể tiến đến lộ trình mở cửa trở lại một cách an toàn, ông Vũ Tú Thành đề xuất Chính phủ nên phân loại các doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng tiêu chí về sản xuất an toàn, sản xuất xanh. Đồng thời, tập trung nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp đang "đuối" trong bảng xếp hạng, làm sao khi mở cửa trở lại, tất cả có cùng xuất phát điểm về đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Lúc đó, nền kinh tế mới vận hành một cách bình thường. Nếu bây giờ, chúng ta mở cửa, có doanh nghiệp đáp ứng tốt, doanh nghiệp không tốt, thì khó đảm bảo được tiêu chí sản xuất an toàn.

Nguồn: HQ online

0945719795