name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nền công nghiệp Việt Nam

30/07/20241065

Sự tiên phong trong lĩnh vực sản xuất

Lợi thế địa – chính trị đang đưa Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Với vị trí gần Trung Quốc - trung tâm sản xuất của thế giới, là một thành viên quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có nhiều điều kiện thu hút và thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang đi kèm với đòi hỏi cấp thiết trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, bao gồm các tiêu chuẩn từ Liên minh châu Âu (EU) - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Trong đó, phải nhắc tới sự ra đời của Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD, có hiệu lực vào năm tài chính 2024). CSRD đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong tiến trình chuyển đổi xanh khi yêu cầu các công ty phải công bố đầy đủ và chi tiết các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Tiếp đó, Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, có hiệu lực từ năm 2026, áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải, sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt, thép, nhôm, xi măng và phân bón.

Để hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh doanh chiến lược, đặc biệt là với các đối tác EU, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải chủ động, đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường .

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất đang dẫn đầu các nỗ lực phát triển bền vững. Hơn 50% dự án được Chứng nhận LEED (chứng nhận cho các công trình xanh) tại Việt Nam thuộc lĩnh vực công nghiệp, trong đó có các công ty đến từ châu Âu như Heineken, Nestlé, Tetra Pak... và nhiều doanh nghiệp trong nước như Thép Hòa Phát, Nhựa Duy Tân.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, như tái chế bao bì, xử lý nước thải và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nêu rõ trong các báo cáo bền vững công khai. Nhiều doanh nghiệp đang có những tiến bộ đáng kể khi chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, tối ưu hóa hoạt động để giảm lượng khí thải CO2 và thực hiện sử dụng nước hiệu quả.

Cam kết này rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ngày càng ưu tiên sự bền vững.

Xu hướng ESG và các nhà phát triển bất động sản

Yêu cầu tuân thủ ESG đang buộc các nhà phát triển bất động sản ở Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào dự án xanh.

Các nhà đầu tư như LOGOS, SLP, Emergent và Frasers Property đang kết hợp các biện pháp tiết kiệm năng lượng, như năng lượng mặt trời và đèn led trong các dự án công nghiệp và hậu cần mới của mình. Nhiều dự án của các nhà đầu tư này đã được cấp chứng nhận xanh, chẳng hạn như LEED, Lotus và Edge… để nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường và giảm chi phí hoạt động.

Các nhà phát triển khu công nghiệp như DeepC và VSIP cũng đang thiết lập hệ sinh thái bền vững bằng cách tích hợp năng lượng tái tạo, phân bổ đất để trồng cây và thực hiện các phương pháp bảo tồn nước tiên tiến, như thu hoạch nước mưa và tái chế nước.

Những biện pháp này không chỉ quan trọng đối với sự bền vững về môi trường mà còn giúp thu hút đối tượng khách thuê cao cấp đã có các cam kết bền vững.

Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, việc tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng và hoạt động bền vững đang nổi lên như một xu hướng tất yếu khi nhiều dự án kết hợp khu công nghiệp với khu dân cư để tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Khu công nghiệp do Amata và DeepC phát triển đang thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong các khu này, hệ thống năng lượng mặt trời, tái chế nước thải được lắp đặt, thúc đẩy sự cộng sinh công nghiệp.

Cụ thể, Amata đã cải thiện mức đạt bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái từ 41% vào đầu năm 2020 lên 86% vào tháng 1/2024 thông qua các sáng kiến như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tái chế nước thải, lắp đặt các tấm pin mặt trời và tăng cường hệ thống quản lý xã hội theo thông tin được công bố trên trang chủ của Tập đoàn.

Tương tự, DeepC đã thực hiện nhiều dự án xanh, bao gồm lắp đặt hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải, chuyển đổi chất thải thành năng lượng và sử dụng các tấm pin mặt trời trên các khu vực đất bồi ven biển. Báo cáo Bền vững năm 2023 của Deep C đã cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp và các khách thuê trong việc tìm hiểu và ứng dụng các biện pháp mới để tiết kiệm nước cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Việt này đã giúp DeepC tiết kiệm khoảng 5,8 triệu kWh điện, 90.000 m³ nước và giảm 10,588 tấn CO2 phát thải chỉ riêng trong năm 2022, cùng với những thành tựu khác…

Định hướng cho quá trình chuyển đổi bền vững

Cho dù đã có không ít thành công, nhưng quá trình chuyển đổi theo xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh ở Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.

Có thể kể đến như hạn chế về nguồn lực, cách biệt công nghệ và nhận thức còn hạn chế. Khung pháp lý toàn diện cho khu công nghiệp sinh thái và các khía cạnh bền vững liên quan cũng đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có quy định rõ ràng về việc tái sử dụng và bán nước thải đã qua xử lý… Hơn thế, việc thiếu các biện pháp khuyến khích tài chính làm cho những thách thức trên trở nên to lớn hơn.

Để vượt qua và duy trì động lực phát triển, thứ nhất, cần thúc đẩy, phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng lộ trình toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ để đạt được mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.

Thứ ba, có cơ chế thúc đẩy thị trường tài chính xanh, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể cho việc áp dụng công nghệ xanh, cũng như các phương án tài chính xanh dễ tiếp cận là những bước quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Việc thiết lập một thị trường mở cho việc mua bán tín dụng carbon và khí thải cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.

Thứ tư, với khu vực tư nhân, các nhà phát triển và đầu tư đóng vai trò rất quan trọng thông qua việc tích hợp các hoạt động bền vững vào các dự án. Cách tiếp cận này cho phép các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển ngày càng tăng trong tương lai cũng như đóng góp vào các mục tiêu bền vững chung của đất nước.

Hơn nữa, khu vực công và tư phải cùng nhau hợp tác trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tính bền vững và trao quyền cho các bên liên quan để tích hợp các hoạt động bền vững vào tất cả các hoạt động hằng ngày. Bằng cách ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm khí thải và thúc đẩy văn hóa bền vững, Việt Nam có thể củng cố vị thế dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, thu hút các nhà đầu tư và củng cố lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là, khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn của các khu công nghiệp sẽ được cải thiện bằng cách kết hợp các dịch vụ giá trị gia tăng, bao gồm thủ tục pháp lý, xây dựng hoàn thiện, nguồn nhân lực và quản lý dự án. Chiến lược toàn diện này đảm bảo ngành công nghiệp Việt Nam không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu mà còn phát triển thịnh vượng trong nền kinh tế xanh toàn cầu.

Ngành công nghiệp Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng. Nắm bắt tính bền vững không chỉ là vấn đề tuân thủ quy định, mà còn là hành động mang tính chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho đất nước. Bằng cách đổi mới, hợp tác và lập kế hoạch chiến lược, Việt Nam có thể giữ vững vai trò của mình và tiếp tục hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững lâu dài.

Nguồn: báo Đầu tư

0945719795