name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên cách tính lương đóng bảo hiểm xã hội

04/05/2023369

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiếm xã hội sửa đổi, doanh nghiệp muốn giữ nguyên căn cứ tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đưa ra hai phương án căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để lấy ý kiến. Một là, tiền lương tháng - bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Hai là, tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động; không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Trong đó, phương án 1 chính là phương án đang được áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và cũng là đề xuất mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đồng tình, theo kết quả khảo sát nhanh một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do Ban IV thực hiện cuối tháng 4/2023.

Lý do được đưa ra, với phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”.

“Nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội...” của một số nhóm doanh nghiệp và người lao động như nhận diện thời gian qua”, doanh nghiệp đề xuất giải pháp.

Các hình thức thanh kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đân cư với cơ sở dữ liệu thuế, bảo hiểm xã hội; kết hợp chế tài nghiêm minh,... cũng được đề xuất để khắc phục được các vi phạm, nhưng vẫn tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Với phương án 2, nhiều ý kiến lo ngại sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động mà chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng “chậm đóng, trốn đóng...”.

Thêm nữa, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng BHXH khiến gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí này đã được cho là “cao nhất khối ASEAN”, sẽ ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.

Cùng với đề nghị giữ nguyên căn cứ tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, ý kiến tổng hợp từ một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi về Ban IV cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ ràng (một cách tối đa) các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng bảo hiểm xã hội, để tránh tình trạng sau này, khi Luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nguồn: báo Đầu tư

0945719795