Đề xuất xuất trả hàng còn nằm tại cảng
Cục Hải quan TPHCM ghi nhận vướng mắc của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách, cụ thể nhiều doanh nghiệp FDI đề xuất được tái xuất nguyên liệu sản xuất về nước.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, do nhà xưởng tại Việt Nam phải dừng hoạt động nên đối với những nguyên vật liệu đã nhập khẩu về để sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp giữ nguyên trạng nguyên vật liệu và tái xuất khẩu sang các nhà xưởng tại nước ngoài. Tuy nhiên, mỗi nguyên vật liệu đều mất rất nhiều thời gian để khai thông quan khi nhập khẩu, kiểm hàng… Doanh nghiệp đề nghị cơ quan Hải quan cân nhắc đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.
Bên cạnh đó, do phải tạm dừng hoạt động sản xuất, nên doanh nghiệp không nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất tại Việt Nam như kế hoạch từ trước. Đối với nguyên vật liệu đã nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp được xuất trả lại những nguyên vật liệu còn nguyên trong bến container về lại nước xuất khẩu hoặc gửi sang nước thứ ba.
Doanh nghiệp cho rằng, nếu theo quy định, buộc phải làm thủ tục nhập khẩu, đề xuất cơ quan Hải quan cho phép doanh nghiệp được tái xuất khẩu những nguyên vật liệu còn nguyên tại bến container ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu mà không cần phải vận chuyển về nhà xưởng của doanh nghiệp.
Nhập khẩu, xuất khẩu qua Cát Lái đều giảm
Theo Cục Hải quan TPHCM, trong thời gian TPHCM và 18 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất. Chính vì thế, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu cảng biển, sân bay giảm đáng kể.
Chỉ tính riêng tại cảng Cát Lái, trong tháng 8/2021, lượng hàng container qua cảng chỉ đạt gần 420.000 TEUs, giảm hơn 18%.
Trong 8 tuần gần đây (từ ngày 12/7 – 5/9/2021), lượng container hàng xuất khẩu, khách hàng giao cho cảng Cát Lái để xuất tàu giảm hơn 28%. Trung bình hàng nhập khẩu khách hàng lấy ra khỏi cảng Cát Lái giảm 26,7%. Chính vì vậy, hàng tồn tại cảng này tăng lên đáng kể.
Phát sinh vướng mắc về thủ tục hải quan
Ngoài các vướng mắc về nguyên liệu tồn kho, tồn bãi như nêu trên, việc tạm dừng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chuyên gia công sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đã phát sinh một số vướng mắc về thủ tục hải quan.
Một vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 được các doanh nghiệp phản ánh, đó là doanh nghiệp mua phụ kiện dưới dạng hàng tiêu dùng từ nước ngoài về, tiến hành tự lắp ráp, sau đó sử dụng dưới dạng thiết bị.
Tuy nhiên, do nhà xưởng tại Việt Nam phải dừng hoạt động, để xuất khẩu các thiết bị mà doanh nghiệp đã tự lắp ráp ra nước ngoài, doanh nghiệp đã nộp tờ khai lúc nhập khẩu các thành phần phụ kiện và những ghi chép lắp ráp thiết bị, nhưng vì lý do những phụ kiện được nhập về dưới dạng hàng tiêu dùng, hiện nay lại xuất khẩu dưới dạng thiết bị nên theo quy định hiện hành không được chấp nhận. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đề xuất cơ quan Hải quan xem xét có hướng hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc phát sinh này cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong tình hình giãn cách hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức hải quan làm việc luân phiên. Doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ liên hệ với các bộ phận nghiệp vụ qua điện thoại...
Doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan Hải quan chuyển đổi từ phương thức kiểm tra hàng hiện vật sang phương thức kiểm hàng bằng tia X (máy soi) để giảm thiểu việc tiếp xúc giữa công chức hải quan với nhân viên công ty logicstic.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất, do chủ hàng bị buộc phải ngừng hoạt động nên xảy ra tình trạng không có ai để nhận container nhập khẩu, cơ quan Hải quan cân nhắc cho phép bảo lưu các yêu cầu về thời hạn khai nhập khẩu container (30 ngày kể từ ngày hàng đến), thời hạn giao dịch (15 ngày kể từ ngày mở tờ khai) và quy định xử phạt hàng hóa quá 90 ngày kể từ ngày hàng đến...
Nguồn: báo Hải quan