Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) kiến nghị điều chỉnh thông tư 03/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, Hiệp hội này đề nghị mở rộng các khoản nợ được cơ cấu lại cho cả các khoảng vay sau ngày 10/6/2020, thay vì chỉ áp dụng với các khoảng trước thời điểm này.
Hiệp hội cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp là thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả hoạt động sản xuất. Việc ngân hàng chỉ cho phép tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10/6/2020 khiến các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu, gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn.
Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời gian trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ; miễn, giảm lãi, phí đến sau 3-6 tháng từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, thay vì giới hạn trả nợ là đến 31/12/2021.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, sau khi hết dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn cần từ 3 đến 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi Covid-19 đã ảnh hưởng suốt năm 2020 và dự kiến còn kéo dài ít nhất là hết năm nay.
Bên cạnh đó, trong Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Do đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giãm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán.
Để giảm áp lực về nguồn vốn, Hiệp hội đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Theo ông Bùi Doãn Nề, hiện nay các hãng hàng không lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, doanh thu các tháng vừa qua giảm 80-90% so với cùng kỳ năm trước; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; nợ gốc và lãi tăng cao. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt trong khi cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn.
Theo VABA, đến tháng 6 năm nay, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo ước tính lên 36.000 tỷ đồng trong khi doanh thu nửa đầu năm lao dốc.
Nguồn: Vietnamexpress