Giải quyết trực tiếp cho doanh nghiệp về dòng tiền
Theo báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện vào đầu năm nay, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất cao nằm trong các lĩnh vực: bất động sản là 76%, khai khoáng 80%, nông nghiệp 84%. Đây là những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp có sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và là đối tượng thụ hưởng của chính sách giảm thuế này.
Về tính hữu ích của các chính sách, cũng tại báo cáo trên, có ba chính sách được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn nộp tiền thuê đất.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hoặc không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Điều này làm cho doanh nghiệp không có nguồn thu, hay hạn chế doanh thu, dòng tiền. Do đó, doanh nghiệp luôn cần một nguồn lực tài chính để cầm cự và duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu, để khi dịch bệnh đi qua, họ có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh nhưng vẫn cần khoản tiền để trang trải. Chính vì vậy, các hỗ trợ trực tiếp về giảm thuế, tiền thuê đất đã giải quyết được những vấn đề trên.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Cao su Thái Dương cho hay, năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động. Tuy nhiên nhờ được gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP nên doanh nghiệp đã để lại được gần 500 triệu đồng cho việc nhập thêm nguyên liệu sản xuất, duy trì công việc cho gần 100 lao động. Vì thế, đại diện Công ty này cho biết đang rất mong chờ vào chính sách tiếp theo về tiền thuê đất, bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang kéo dài và diễn biến phức tạp hơn trong năm 2021.
Mới đây, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ khác đang trong quá trình xây dựng, việc giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến các dự án đang thi công không thể luân chuyển nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu đến công trường để đáp ứng tiến độ, một số dự án còn phải dừng thi công. Vì thế, một trong những kiến nghị của VARSI gửi lên Chính phủ là giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.
Nắm bắt, chia sẻ nguyện vọng của các doanh nghiệp, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mức giảm 30% tiền thuê đất năm 2021.
Quyết định này được ban hành là cần thiết, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đánh giá của VCCI về dự thảo cho thấy, so với Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì dự thảo Quyết định đã điều chỉnh một số quy định theo hướng hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng thụ hưởng.
Cần đưa vào định hướng kinh doanh
Rõ ràng, giảm chi phí, thêm dòng tiền cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay là rất cần thiết. Vì thế, điều các doanh nghiệp mong muốn là chính sách sớm đi vào thực thi và thực thi phải thực chất, bởi đây chính là một trong những chiếc “phao cứu sinh” của doanh nghiệp.
Theo số liệu hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), đến ngày 6/8, có 137.118 đơn đề nghị gia hạn. Trong đó, có 118.143 DN, tổ chức và 18.975 cá nhân được gia hạn với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 67.194 tỷ đồng (thấp hơn so với tính toán ban đầu của Bộ Tài chính).
Với số tiền như trên, cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, đây không chỉ là khoản hỗ trợ mà như một khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước, giúp tạo cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cầm cự trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh cũng như có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. Do đó, theo ông Phan Đức Hiếu, các doanh nghiệp cần xác định kỹ lưỡng về việc sử dụng các khoản chi phí được miễn giảm, phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, theo tính toán, việc tiếp tục thực hiện các đề xuất về miễn giảm thuế, tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp có làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ vẫn đang tích cực làm việc, cố gắng hoàn thiện và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sớm nhất.
Nguồn: HQ online