Thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên tại các địa phương phía Bắc đang đẩy các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm, may vào cảnh "thiệt đơn, thiệt kép".
Đó là chia sẻ của Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu tại họp báo thông tin về sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, sáng 20/6.
Tình hình thị trường 6 tháng đầu năm thực sự ảm đạm, tất cả các ngành sản xuất công nghiệp đều gặp khó, 6/7 ngành hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD đều sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, dệt may giảm 18-20% so với cùng kỳ.
Ngành sợi khó hơn cả, khi nhu cầu rất thấp, giá sợi xuất khẩu cũng thấp, việc Trung Quốc mở cửa đã gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp sợi khi xuất khẩu. Thực trạng lúc này là doanh nghiệp sợi tồn kho lớn, thua lỗ.
Ngành may cũng chung cảnh ngộ khi đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún kéo dài suốt từ quý IV/2022 đến nay, cũng đó là khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn với các nhà cung cấp.
"Chúng tôi đã dự liệu khó khăn về thị trường từ nửa cuối năm ngoái, từ đó liên tục cập nhật thông tin, linh hoạt trong tiếp nhận đơn hàng, chấp nhận đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và linh hoạt về sản phẩm, với riêng ngành sợi, đích đến là làm sao lỗ ít nhất", ông Hiếu nói.
Đó là lý do tại ĐHĐCĐ năm 2023, Tập đoàn chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận bằng 50% so với 2022, đạt được con số đó đã là kịch bản tốt nhất.
Báo cáo của Vinatex, quý I/2023, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm, lợi nhuận hợp nhất 118 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. Quý II, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, lợi nhuận 58 tỷ đồng. Tuy có mức suy giảm doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ các năm trước, nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn, đây là mức giảm khả quan hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nhưng, so với mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỷ đồng (trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng) thì áp lực cho nửa cuối năm 2023 còn khá nặng nề.
Không chỉ đối mặt với khó khăn chung về thị trường với sức mua thấp, nhiều thị trường lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, từ cuối tháng 5 đến nay, tình hình thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên tại phía Bắc đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Cao Hữu Hiếu cho hay: "Với doanh nghiệp may, nếu cắt điện, công nhân đến phải đi về, thì với doanh nghiệp đang nhuộm mà mất điện là hỏng hết mẻ nhuộm đó, doanh nghiệp thiệt hại đủ đường".
Việc cung ứng điện liên tục bị gián đoạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động bên trong các nhà xưởng và sức khỏe, thu nhập của người lao động, có những ngày cắt điện từ 6 tiếng, thậm chí 8 tiếng.
Hiện nay, điện lực không thông báo kế hoạch cắt điện bằng văn bản trước từ 3 - 5 ngày mà chỉ thông báo đột xuất trên các hội, nhóm của mạng xã hội (zalo, facebook) trước thời điểm cắt điện. Cùng với đó là lịch cắt điện dày đặc, luân phiên theo lộ, tuyến đường dây, phụ tải của doanh nghiệp. Nhà máy Sợi Đồng Văn Hanosimex xác nhận, từ đầu ngày 01/6/2023 đến 11/06/2023 đã mất điện 5 lần và có thể còn tiếp diễn.
Theo Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân, việc mất điện thường xuyên và liên tục dẫn đến doanh nghiệp rất khó để tổ chức sản xuất. Tình trạng cắt điện không được báo trước làm cho công nhân vẫn đi làm bình thường và Công ty vẫn phải trả lương mà không có sản phẩm.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân cho hay: "Hai mẻ nhuộm mới đây bị cắt điện vào đúng giai đoạn đang cho màu vào, dẫn đến số vải đó bị hỏng màu và phải loại bỏ, kéo theo đó là doanh nghiệp may không có vải để sản xuất. Với khoảng 3 ngày mất điện ngoài kế hoạch, những thiệt hại về hỏng hàng, phí làm lại hàng, chậm tiến độ đã gây thiệt hại cho Công ty khoảng 10.000 USD”.
Phó giám đốc phụ trách điều hành hoạt động Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, ông Viên Minh Đạo cho biết: "Tình trạng mất điện liên tục đã làm sản lượng của nhà máy hao hụt 32,7 tấn, tương đương 31,5% kế hoạch. Điện không ổn định nên phải đóng, mở máy liên tục dẫn đến tình trạng máy móc bị lỗi liên tục, thời gian giao hàng phải điều chỉnh lại và phát sinh chi phí, phải hủy số lượng hàng không đủ sản lượng".
Các doanh nghiệp cho rằng, đặc thù của khu vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm mỗi lần lên máy sẽ không có sản lượng ngay mà tiêu hao năng lượng rất lớn. Để doanh nghiệp có thể chủ động được hoạt động sản xuất, hoàn thiện các đơn hàng gấp thì ngành điện cần thông báo trước lịch cắt điện, khi cắt điện thì cần liên tục và duy trì cấp điện liên tục.
Trong các tháng tới, ngành dệt may được dự báo tiếp tục thiếu hụt đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa hồi phục. Tổng cầu dệt may thế giới dự kiến đạt 700 tỷ USD, giảm 8% so với 2022, thấp hơn năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng đó là đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh, yêu cầu cao hơn về chất lượng...
Trước những thách thức này, Vinatex tập trung mạnh vào dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa định hướng để các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất, theo dõi tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, ưu tiên giữ đội ngũ lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục.
Doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đang kỳ vọng thị trường sẽ tích cực hơn trong các tháng tới.
Nguồn: báo Đầu tư