name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Động lực tăng trưởng kinh tế nhìn từ điều kiện cần và đủ

02/02/2023529

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục “đỏng đảnh”, thay đổi khó lường, giới chuyên gia đang nhìn vào các động lực nội địa với nhiều kỳ vọng, nhưng đi cùng là những điều kiện không dễ dàng.

Các động lực đang chuyển theo hướng nội lực và thực chất hơn

Kết quả rất đáng phấn khởi của năm 2022 dù không thể che lấp những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, song ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội muốn phân tích sâu hơn những chuyển dịch mà ông gọi là nội lực và thực chất hơn trong các động lực đang góp sức vào tăng trưởng.

Theo ông Hiếu, bảng vàng thành tích kinh tế Việt Nam năm 2022 chắc chắn phải ghi danh khu vực nông - lâm - thủy sản, dù khu vực này chỉ tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thấp hơn rất nhiều so với mức đóng góp của khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này đạt mức trên 53 tỷ USD, chiếm khoảng 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, với 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Quan trọng hơn, thặng dư thương mại của khu vực kinh tế này ước đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

“Điều đáng nói là, các doanh nghiệp Việt đang nắm vai trò chủ lực trong khu vực này. Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng nuôi trồng đã tăng khá nhanh, ở mức 6,3% so với cùng kỳ, trong khi khai thác giảm 1,8% cũng là những tín hiệu tích cực”, ông Hiếu làm rõ khi nhắc tới sự gia tăng yếu tố nội lực, khả năng chống chịu của các động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục ghi nhận những diễn biến mà giới phân tích kinh tế gọi là “rất đỏng đảnh”, khó dự báo.

Cách đây chừng 3 tháng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), hay các tổ chức tư vấn, tài chính hàng đầu thế giới và nhiều nhà kinh tế có tên tuổi đã đưa ra những dự báo rất bi quan về tình hình kinh tế thế giới. Lúc đó, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam nhắc lại, gần như tất cả đều đinh ninh rằng, kinh tế thế giới năm 2023 sẽ suy thoái.

Tuy nhiên, góc nhìn và dự báo gần như quay ngoắt 180 độ trong 2 tuần đầu của năm 2023 với đỉnh điểm là thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) kết thúc ngày 21/1. IMF tuyên bố sẽ tính toán lại khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 với viễn cảnh lạc quan hơn. Ngay cả những người hết sức thận trọng như ông Larry Summers, chuyên gia kinh tế - chính trị của Mỹ cũng đã dịu giọng hơn về khả năng suy thoái trong năm 2023.

Tuy nhiên, giới chuyên gia thừa nhận, tình hình tuần sau hay tuần sau nữa cũng chưa biết như thế nào.

Vì vậy, cho đến thời điểm này, câu hỏi động lực nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 không dễ trả lời, nhất là khi tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công - chân kiềng cho tăng trưởng năm ngoái đều đang gặp khó khăn ở những mức độ khác nhau.

Tiêu dùng nội địa đang gặp khó khi tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn. Theo ông Hiếu, một số khảo sát về khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt cho thấy, nhu cầu thị trường trong nước thấp đang là khó khăn hàng đầu, có tới 49,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn; trong khi khó khăn về lãi suất tăng cao có 37,5% doanh nghiệp lựa chọn…

Tương tự, xuất khẩu cũng đang trong tình thế “ngã ba đường” khi Trung Quốc mở cửa lại với thế giới sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid, trong khi hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể phục hồi nhanh trong năm nay, dù lạm phát toàn cầu được nhận định đã đạt đỉnh, nhưng khả năng vẫn ở mức cao trước khi giảm xuống vào cuối năm. Các chính sách tài khóa, tiền tệ của nhiều nền kinh tế khả năng cao vẫn ở xu hướng thắt chặt.

“Trong bối cảnh này, sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp Việt có thể coi là một điều kiện cần để duy trì các động lực đã làm nên tăng trưởng kinh tế năm 2022 tiếp tục là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Hóa giải thách thức từ vùng đệm

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp, của nền kinh tế chính là vùng đệm cần phải được củng cố, vì đây sẽ là công cụ để giảm thiểu dư chấn khi kinh tế thế giới biến động bất lợi.

Câu hỏi động lực nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 không dễ trả lời, nhất là khi chân kiềng cho tăng trưởng năm ngoái đều đang gặp khó khăn.

Việc củng cố vùng đệm này, theo ông Cung, đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi, khi nền kinh tế có một thời gian dài giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bội chi ngân sách và tăng cường sức khỏe cho hệ thống ngân hàng.

“Đây là thời điểm cho tư duy chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân đầu tư công thực sự để tìm lại sự năng động cho nền kinh tế, từ góc độ thanh khoản, các tổ chức tín dụng, cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp…”, ông Cung nói.

Vấn đề là, các khuyến nghị chính sách này không mới, giải pháp có nhiều, cả dài hạn - ở khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và ngắn hạn, giải quyết các nút thắt hiện hữu, song đang đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ.

Đơn cử, trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước để góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc lại lý do chính khiến chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước chưa đi vào thực tế. Đó là thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không rõ ràng, khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng đều e ngại. Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, nội dung này cũng chưa được làm rõ.

Nhu cầu về hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp là có, nhưng tiếp tục hỗ trợ thế nào cho phù hợp, cả cách thức hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ, cũng đang là câu hỏi khó.

Thị trường vốn tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2023-2024 ước tính lần lượt khoảng 317.500 tỷ đồng và 363.400 tỷ đồng, cao hơn mức 220.000 tỷ đồng năm 2022 và được coi là đỉnh điểm, theo thống kê của Công ty Chứng khoán BSC. Trong khi đó, các giải pháp hóa giải bất ổn cho thị trường này vẫn đang được nghiên cứu và một loạt yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản như khả năng lãi suất tăng, tín dụng đổ vào bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ hơn…

Tương tự, những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công được nhắc nhiều, nói nhiều, nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, vẫn phụ thuộc vào từng địa phương, bộ, ngành, trong khi áp lực giải ngân vốn tăng lên khi cộng thêm công việc từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

“Đây là lý do tôi kỳ vọng nhiều hơn vào nguồn đầu tư công của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, khi về cơ bản, việc phân bổ vốn đã hoàn thành, nhiều dự án đã được khởi công. Ngay ngày đầu năm 2023, 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II đã được đồng loạt khởi công với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và giờ chỉ tập trung vào làm một cách thực chất, bám sát thực tiễn để có điều chỉnh kịp thời”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Nhưng cũng chính vậy, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 đều đòi hỏi nhiều điều kiện cần để thành công. Cùng với đó, ông Hiếu cho rằng, sự tham gia có trách nhiệm của doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế cũng là một điều kiện vô cùng quan trọng. “Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần phát huy sự hợp tác, nâng cao quản trị doanh nghiệp, chứ đừng tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ”, ông Hiếu nói.

Nguồn: báo Đầu tư

0945719795