Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 tiếp tục duy trì ở mức cao với kim ngạch đạt 13,8 tỷ USD, tương đương so với nửa cuối tháng 4/2021 nhưng tăng tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021, kim ngạch nhập khẩu của nước ta đạt 87,5 triệu USD, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng cao từ đầu năm đến nay một phần là do hoạt động sản xuất trong nước phục hồi trở lại sau một năm đầy biến động trước tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng khiến kim ngạch nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể.
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 tiếp tục tăng 2 – 7% so với nửa cuối tháng 4/2021.
Với mức tăng liên tục từ đầu năm đến nay, giá nhập khẩu một số mặt hàng trong nửa đầu tháng 5/2021 đã cao hơn 30 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có mặt hàng xăng dầu tăng gấp 2-3 lần.
Cụ thể, trong nửa đầu tháng 5/2021, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng xăng đã tăng 206,9% (đạt bình quân 674 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2020, dầu diesel tăng 112,7% (đạt bình quân 546 USD/tấn), dầu mazut và nhiên liệu bay cũng tăng 130,9% - 156,5%.
Giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô hay đậu tương trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 cũng tăng 32,8 – 40,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt bình quân 286 USD/tấn đối với ngô và 568 USD/tấn đối với đậu tương.
Tương tự, giá nhập khẩu một số loại phân bón như DAP và SA trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 cũng đang cao hơn 48% và 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, giá nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm kim loại là sắt thép các loại và kim loại thường đang cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá nhập khẩu hầu như toàn bộ các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Điều đáng chú ý là giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, xăng dầu hay chi phí logistics tăng cao từ đầu năm nay đến nay nhưng giá xuất khẩu nông sản lại tăng không tương xứng.
Theo đó, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021 đạt 1.533 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê đạt bình quân 1.686 USD/tấn, tăng 7,2%; gạo tăng 12,7%; hạt điều giảm 13,1%...
Không những vậy, việc phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng kéo theo sự tăng giá nhiều loại hàng hóa trong nước, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như tạo áp lực lên lạm phát.
Tại thị trường trong nước, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 20 - 40% nhưng doanh nghiệp chỉ tăng 10 - 15% giá thành phẩm giúp phần nào giảm bớt gánh nặng cho các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chịu thiệt hại lớn trong khi với mức giá hiện tại với người chăn nuôi vẫn được xem là ở mức cao, nhất là trong bối cảnh giá gia cầm và giá heo hơi đang liên tục giảm.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 6 -7 đợt với tổng mức tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi quyết định 65 - 70% giá thành nuôi gia súc, gia cầm nên việc giá gia cầm giảm thời gia qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến người dân e ngại việc tái đàn.
Trong khi đó, tình hình giá thép tăng cao cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước lâm vào cảnh khó khăn do chi phí bị đội lên, nhiều nhà thầu được dự báo mất lãi do phụ thuộc vào nguyên liệu và giá đàm phán với chủ đầu tư.
Thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản do không thể gánh được mức tăng liên tục của giá thép trên thị trường.
Còn trên thị trường phân bón, theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam, vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL được mùa được giá, nhưng vụ Hè Thu giá phân bón tăng liên tục chưa hạ nhiệt nên lãi vụ Đông Xuân phải gánh cho vụ Hè thu.
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu 2021, một số nơi gieo sạ sớm lúa đã làm đồng và trổ bông. Nhờ giá lúa Đông Xuân ở mức cao nên nhiều nông dân tranh thủ bán lấy tiền mua phân bón dự trữ trước để tránh bị tăng giá khi vào vụ rộ. Vì vậy, thị trường phân bón ở khu vực ĐBSCL đã nóng ngay từ đầu vụ.
Thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng phân bón tại khu vực TP Cần Thơ đã tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/bao so với vụ trước.
Giá hàng hóa đã có một đợt phục hồi đáng chú ý sau sự suy giảm vào năm ngoái. Sự gia tăng về giá đã thúc đẩy suy đoán rằng thị trường hàng hóa toàn cầu đang bước vào "siêu chu kỳ" tăng giá.
Hiện nay, giá nhiều mặt hàng đang cao hơn mức trước đại dịch. Thậm chí, giá đồng, gỗ xẻ, quặng sắt đã có thời điểm chạm mức cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, theo TD Economics, vẫn còn quá sớm để kết luận thị trường đang bước vào "siêu chu kỳ tăng giá" bởi các biến động giá gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mất cân đối cung cầu tạm thời đối với hầu hết các mặt hàng.
Giá một số loại hàng hóa nguyên liệu vẫn có dư địa tăng trong ngắn hạn nhưng đa số các mặt hàng được kỳ vọng sẽ có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm nay.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra tốt hơn dự kiến, trong khi những hạn chế về nguồn cung do đại dịch gây ra đang là yếu tố chính tác động đến giá cả. Ngoài ra, xu hướng giảm giá của đồng USD, sự gia tăng của giới đầu cơ cũng như chi phí vận chuyển tăng vọt cũng góp phần đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Dù vậy, khoảng cách lớn về cung - cầu, một động lực chính của sự tăng giá dự kiến sẽ thu hẹp trên nhiều lĩnh vực hàng hóa trong nửa cuối năm 2021 do các hoạt động bắt đầu chuyển từ chi tiêu liên quan đến hàng hóa sang dịch vụ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu thắt chặt các đòn bẩy chính sách, với tốc độ tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu giảm so với tốc độ của năm ngoái. Sự tập trung mới vào những lo ngại về ổn định tài chính có thể ngăn cản sự bùng nổ trong kích thích cơ sở hạ tầng bền vững tương tự như những năm 2000.
Đáng chú ý, Chính quyền Trung Quốc hôm 19/5 thông báo sẽ tăng cường quản lý hàng hóa để hạn chế giá cả "bất hợp lý" và điều tra các hành vi tăng giá hàng hóa, nỗ lực tích trữ của các nhà kinh doanh kim loại. Điều này sẽ tác động đến đà tăng đột biến gần đây của nhóm hàng kim loại, nơi Trung Quốc là nước tiêu thụ chính.
Các điều kiện cung ứng cũng đang được cải thiện. Trên thị trường năng lượng, OPEC+ có xu hướng nới lỏng chính sách giảm sản lượng dầu mỏ theo từng giai đoạn, bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 7, trong bối cảnh dự báo lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu.
Đồng thời, những lo ngại liên quan đến La Nina đã giảm dần và việc mở rộng diện tích cây trồng tại Mỹ dường như đang đi đúng hướng. Giá cả tăng cao dự kiến sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Mỹ và Canada với sản lượng và diện tích cao hơn.
Trong khi đó, ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì lạm phát vừa phải. TD Economics cho rằng, Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác có thể sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp trong những tháng tới.
Gần đây thị trường bắt đầu chứng kiến những tín hiệu cho thấy sự chững lại của giá hàng hóa thuộc nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và cả kim loại.
Trên thị trường thế giới, trong tuần đến ngày 21/5/2021, giá nhiều loại hàng hóa như dầu thô, ngô, đậu tương, sắt thép… đã hạ nhiệt so với những tuần trước đó, với mức giảm từ 2-8%. Trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mì giảm 1,7 – 3,7%.
Trong phiên giao dịch ngày 21/5/2021, giá quặng sắt trên sàn giao dịch Đại Liên giảm xuống mức 1.142,5 nhân dân tệ/tấn, giảm 16% so với mức kỷ lục 1.358 nhân dân tệ/tấn đạt được trong ngày 12/5/2021.
Không chỉ sắt thép, giá các nguyên liệu công nghiệp khác như đồng, nhôm cũng hạ nhiệt so với tuần trước đó.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/