Đầu tư nước ngoài vào giáo dục tăng nhiệt khi các nhà đầu tư “ngoại” nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ lĩnh vực còn nhiều dư địa này, nhất là tiềm năng số hóa giáo dục.
Không có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam được công bố trong 9 tháng năm 2020. Theo Công ty cổ phần FiinGroup, giai đoạn này ghi nhận Quỹ đầu tư tư nhân Praxis Capital Partners (Hàn Quốc) cùng với một số nhà đầu tư tổ chức khác đã đầu tư thành công vào một trường liên cấp quốc tế tại Hà Nội. Nhưng tên trường và các điều khoản chi tiết của thương vụ này đến nay vẫn là ẩn số.
Thương vụ MS English 2 Pte. Ltd (Singapore) - công ty con của Myanmar Strategic Holdings Ltd (Myanmar) - mua lại Công ty TNHH Wall Street English tại TP.HCM được nhắc đến nhiều hơn, bởi Wall Street English được mua lại khi vẫn gánh khoản lỗ ròng 1,4 triệu USD, còn doanh thu chưa kiểm toán trong vòng 12 tháng (tính đến ngày 30/4/2020) đạt xấp xỉ 13,8 triệu USD và tổng tài sản là 3,4 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực này trong 9 tháng năm 2020 lên tới 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng vọt lên 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
“Điều đó thể hiện chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài là ưu tiên lựa chọn hình thức đầu tư góp vốn, hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước đang hoạt động tốt, có uy tín để mở rộng thị trường, tăng quy mô hoạt động, nhằm giảm thiểu các rủi ro về thị trường và pháp lý khi mở mới các cơ sở giáo dục tại Việt Nam”, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường (FiinResearch) của FiinGroup cho biết.
Covid-19 có ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng to lớn tới lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Về mặt tiêu cực, trong thời gian giãn cách xã hội, dịch bệnh đã đẩy một số cơ sở giáo dục tư nhân có tiềm lực tài chính yếu tới nguy cơ thua lỗ, phá sản. Song dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cả ở hệ thống trường công lập và tư thục. Các trường đã nhanh chóng thích nghi, chuyển sang hình thức học trực tuyến, qua truyền hình… cùng với các học liệu được số hóa nhằm kết nối học sinh với giáo viên, đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy.
Về dài hạn, ông Lê Xuân Đồng cho rằng, lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam được kỳ vọng có tiềm năng tăng trưởng tốt và tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài, bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Đáng kể là tỷ lệ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định trong các năm tới.
Cùng với đó, mức sống ở các đô thị ngày càng được cải thiện. Các bậc cha mẹ Việt Nam có xu hướng dành ngân sách lớn hơn để con cái họ được hưởng thụ các dịch vụ giáo dục có chất lượng cao từ nhóm các trường tư thục và các trường quốc tế tại Việt Nam, bên cạnh việc đi du học.
(Nguồn: baodautu.vn)