name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Giải phóng nguồn lực cho các dự án đầu tư đang gặp vướng mắc tại Hải Phòng

13/09/2021242

Chiều 10/9, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại TP. Hải Phòng.

Như vậy, đây là cuộc làm việc thứ tư của Tổ công tác với các địa phương được tổ chức liên tiếp trong 2 tuần qua, sau Quảng Ninh, Hà Nội và Hưng Yên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt cho biết, đây là nội dung được Thủ tướng và Chính phủ quan tâm đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. “Tháo gỡ khó khăn ngay cho các dự án là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng nói.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng phân công, Tổ công tác lựa chọn một số địa phương trọng điểm, thành phố trực thuộc Trung ương để trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cụ thể, giải thích thêm pháp luật để các địa phương hiểu thêm, “cái gì tháo gỡ ngay được thì làm luôn, cái gì phải sửa luật thì ghi nhận báo cáo cấp trên”.

Nhiều vướng mắc lặp đi lặp lại

Báo cáo một số nội dung vướng mắc trong quản lý nhà nước về đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết, có những vướng mắc đang “lặp đi lặp lại”.

Đối với các dự án đầu tư công, các vướng mắc hiện nay chủ yếu liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư, quá trình triển khai thực hiện dự án. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự không thống nhất, thiếu tính thực hiễn trong các quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định chưa đầy đủ.

Đối với các dự án đầu tư kinh doanh, việc chưa đồng bộ giữa quy định pháp luật về đầu tư và quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đang dẫn tới những vướng mắc về chuyển nhượng dự án, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở…

Dẫn chứng cụ thể, ông Long cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như sau: “1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.”. “Quy định này có nhiều cách hiểu khác nhau và hiện nay đang gây khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án”, ông Long cho hay.

Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), một trong những vướng mắc hiện nay là xác định chi phí lãi vay ngoài thời gian thực hiện hợp đồng dự án BT đã triển khai trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Nguyên nhân vướng mắc, theo ông Long là do trong Luật Xây dựng và các quy định có liên quan, chỉ có quy định về việc xác định lãi vay trong thời gian xây dựng và được tính trong tổng mức đầu tư của dự án PPP, chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí lãi vay ngoài thời gian thực hiện hợp đồng dự án BT.

Sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian sớm nhất

Tại Hội nghị, các thành viên nhóm giúp việc của Tổ công tác, đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… đã giải đáp nhiều vướng mắc của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, trong 17 vướng mắc mà thành phố nêu ra, đã được đại diện các bộ ngành, đơn vị làm rõ 10 vấn đề. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện theo chỉ đạo”, ông Thọ nêu rõ. Về các vấn đề còn lại cần ý kiến cấp trên, ông Thọ đề nghị Tổ công tác tháo gỡ sớm để không chỉ Hải Phòng mà các địa phương khác sớm được triển khai, khơi thông nguồn lực.

Chúc mừng Hải Phòng thời gian qua đã đạt nhiều thành tích trong phòng chống dịch và thu hút đầu tư, đặc biệt là mới đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam quyết định rót thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại đây lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất Thành phố.

Tổng kết các vướng mắc của thành phố, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, “còn 7 nội dung, chúng tôi sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi”. Trong bối cảnh hiện nay, nếu tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, thì đó là cách để giải phóng nguồn lực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

“Đề nghị Hải Phòng thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với chúng tôi để khắc phục các vướng mắc", Thứ trưởng Đông nói và cho biết, Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.

Dự kiến, sau khi tổng hợp kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là Tổ phó thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, sẽ chủ trì làm việc với các bộ, ngành để lắng nghe và cũng sẽ có những quan điểm riêng, độc lập, khách quan. Bởi thực tế, không phải bộ, ngành nào cũng sẵn sàng sửa đổi, bổ sung các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, sẵn sàng phân cấp, phân quyền, đi kèm với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

“Sau đó, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ, cố gắng trong tháng 9/2021. Có thể chưa đầy đủ mà sẽ báo cáo từng phần, sau đó tiếp tục rà soát và tháo gỡ vướng mắc”, Thứ trưởng Đông nói.

Nguồn: báo Đầu tư

0945719795