name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Hà Nội xử lý đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp FDI

20/10/2021443

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Phát biểu tại hội nghị, kiến nghị một số vướng mắc đang gặp phải, đại diện Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, đơn vị xây dựng dự TP thông minh tại huyện Đông Anh; Tập đoàn Gamuda; Công ty TNHH Phát triển T.H.T (chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây) và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam kiến nghị TP hỗ trợ về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các quy hoạch phân khu liên quan, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai.

Giải đáp kiến nghị này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, đối với những kiến nghị của Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, ngay trong chiều nay, Bí thư Thành ủy sẽ chủ trì làm việc với Liên doanh và các sở, ngành TP để tháo gỡ.

Đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai), Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Nguyễn Trúc Anh cho biết TP đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội điều chỉnh, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã xây dựng quy trình ISO, trong 20 ngày, phải trả lời doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến Quy hoạch Kiến trúc. Ngoài ra, Sở đã công bố đường dây nóng, các doanh nghiệp có thể nhắn tin trực tiếp đến Giám đốc Sở để tiếp thu, giải quyết.

Đối với những vướng mắc tại dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, TP đã thành lập tổ công tác, tổng hợp báo cáo để xin ý kiến Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. Về giải phóng mặt bằng, hiện Khu đô thị Gamuda vướng khoảng 1.500m2 do liên quan đến nguồn gốc đất đai, quận Hoàng Mai sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 11 năm nay. Đối với 2 khu đất chồng lấn với Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai đang làm thủ tục để giải phóng mặt bằng. Còn khu vực chồng lấn với 2 khu nghĩa trang, TP sẽ điều chỉnh quy hoạch ranh giới dự án để để chỉnh trang khu vực nghĩa trang, đảm bảo cảnh quan môi trường.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Inouce, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị trong trường hợp nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp cần không áp dụng biện pháp "3 tại chỗ" mà cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà không liên quan đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với một số lượng người nhất định; gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần.

Đại diện cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng mong muốn TP thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu...

Rà soát bỏ các thủ tục không cần thiết

Ngoài ra, đại diện JCCI cũng đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vắc xin và cho phép lưu thông qua các khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách. Cũng theo ông Inouce, ngành sản xuất kinh doanh theo nhu cầu trong nước không thể trở lại hoạt động trừ khi đảm bảo hoạt động bán hàng, do đó, việc thiếu đồng bộ trong việc xác định loại dịch vụ bán hàng được phép hoạt động giữa các khu vực đang áp dụng biện pháp chống dịch, cũng như mất thời gian thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trở lại sau khi gỡ bỏ Chỉ thị 16. Chính vì vậy, ông Inoue đề xuất, cho phép hoạt động bán hàng thống nhất trên toàn TP nếu đáp ứng tiêu chí 5K, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Cũng tại hội nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã kiến nghị rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong quá trình triển khai các dự án tại Hà Nội. Hiện, thủ tục nhập cảnh cho nhà đầu tư, chuyên gia hiện nay còn khó khăn, kể cả với người nước ngoài đã ở Việt Nam có đầy đủ giấy tờ.

Trước những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên-môi trường, y tế... Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với nỗ lực của chính quyền, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng cam kết, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.

Nguồn: báo Hải quan

0945719795