Thứ hạng nhảy vọt
Thông qua công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh - PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện, Hải Dương đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao về nỗ lực của chính quyền địa phương trong năm 2021.
Cụ thể, Hải Dương đã vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng, tăng 34 bậc (năm 2020, Hải Dương đứng thứ 47 trong cả nước); đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý hơn, Hải Dương đã thăng hạng từ vị trí giữa của nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình, lên đứng đầu nhóm 20 địa phương có chất lượng điều hành khá; chỉ cách địa phương đứng thứ 10 (nhóm có chất lượng điều hành tốt) là 0,95 điểm. Hải Dương cũng là một trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng kết cấu hạ tầng tốt trên cả nước.
Để đạt được bước nhảy vọt về thứ hạng này, Hải Dương đã có sự cải thiện điểm số mạnh ở nhiều chỉ số thành phần, từ đó giúp tổng điểm tăng 5,13 điểm so với năm 2020 và tăng 7,29 điểm so với năm 2017.
Nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương được ghi nhận khi trong 10 chỉ số thành phần, thì địa phương này có đến 8 chỉ số tăng điểm. Trong đó, có 2 chỉ số tăng điểm mạnh và đứng đầu cả nước. Đó là chỉ số Tính năng động của chính quyền (đạt 8,24 điểm, tăng 3,15 điểm); Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 8,38 điểm, tăng 3,25 điểm).
Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI (VCCI) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều địa phương, trong nhiều năm qua vẫn luôn tồn tại tình trạng thiếu sự công bằng giữa khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Nhưng tại Hải Dương, khảo sát về hiệu quả ứng phó với Covid-19 của chính quyền tỉnh (gồm các yếu tố về sự hướng dẫn kịp thời và rõ ràng để doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh, hướng dẫn tiếp cận các gói hỗ trợ) cho thấy, doanh nghiệp ở cả 2 khối đều đánh giá rất cao (khối tư nhân đạt 87,9 điểm - đứng thứ 6; khối FDI là 85,7 điểm - đứng thư 4 cả nước), khoảng cách điểm số giữa 2 khối chỉ là 2,2 điểm - mức rất thấp.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khó cải thiện như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… cũng đều ghi nhận sự tăng điểm.
Ông Triệu Thế Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, đây được xem là kết quả rất tích cực, cho thấy nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Hải Dương trong việc cải thiện môi trường đầu tư của toàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
“Căn cứ vào tình hình thực tiễn, công tác chống dịch của Hải Dương trong năm 2021 đã có những điều chỉnh phù hợp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất. Trong đó, với việc sớm phủ vắc-xin, tại Hải Dương, không doanh nghiệp nào phải đóng cửa, dừng sản xuất trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Nhờ đó, thu ngân sách tỉnh năm 2021 đạt trên 21.000 tỷ đồng, vượt 7.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 đột phá lên 2 con số và đưa tăng trưởng cả năm 2021 lên 8,6%”, ông Hùng chia sẻ.
“3 không - 5 rõ - 6 dám”
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ điểm nghẽn làm chậm lại sự phát triển của Hải Dương đến từ việc môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện. Đây cũng là một trong 3 khâu đột phá đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII chỉ ra để thực hiện những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thực thế, theo dõi thứ hạng PCI từ năm 2006 đến 2020, có thể thấy, PCI của Hải Dương có xu hướng đi xuống và tỉnh thường xuyên ở nhóm có chất lượng điều hành thấp. Năm 2019, PCI của Hải Dương tăng 8 bậc, nhưng mới chỉ xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 10/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2020, dù giữ nguyên thứ hạng, nhưng điểm số của tỉnh lại giảm 1,33 điểm, chỉ đạt 62,52 điểm.
Để thay đổi thứ hạng, hay nói cách khác là cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Thăng cho rằng, sự đổi mới phải đến từ những người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ đó mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh đã lan tỏa xuống các sở, ban, ngành, các địa phương, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Những cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của người đứng đầu tỉnh với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu… Sau các cuộc xúc tiến đều có bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Hải Dương.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, Hải Dương coi công tác quy hoạch là chìa khoá thu hút và quản lý đầu tư hiệu quả, bền vững. Tỉnh đã và đang đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng các ngành, lĩnh vực. Các quy hoạch được công khai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai đầu tư. Tỉnh còn thành lập tổ công tác để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp luôn có sự đồng hành của cơ quan chuyên môn trong quá trình tìm hiểu, thu hút đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những thành tựu nổi bật trong năm 2021. Đăng ký thành lập doanh nghiệp đã giảm từ 3 ngày xuống 2 ngày, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày. Giảm thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 30 ngày xuống còn không quá 10 ngày. Thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường từ 30 ngày còn 20 ngày...
“Tỉnh còn tập trung đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4 để vừa hiện đại hoá công tác quản lý, vừa bảo đảm chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Hải Dương cũng ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 rõ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 19/8/2021, địa phương này đề ra mục tiêu phấn đấu tăng 5 bậc trên Bảng xếp hạng PCI trong năm 2022 và đến năm 2025, phấn đấu là một trong 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về PCI. Nhưng với những giải pháp rõ ràng, cụ thể, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nên mục tiêu đề ra này cho cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành và vượt ngay trong năm 2021, khi địa phương này đã lọt vào Top 15.
Tiếp tục cải cách để tăng sức hấp dẫn
Tại lễ công bố PCI năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; gia tăng cơ hội tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường và tính minh bạch của chính quyền, tạo dư địa lớn để các địa phương bứt phá trong Bảng xếp hạng.
Với Hải Dương, dù kết quả PCI rất tích cực, song phải nhìn nhận, vẫn còn 2 chỉ số bị giảm điểm: gia nhập thị trường đạt 7,24 điểm, giảm 0,34 điểm; đào tạo lao động đạt 6,64 điểm, giảm 0,82 điểm.
Còn nếu so sánh trong giai đoạn 5 năm, thì nhiều chỉ số có sự cải thiện chậm, thậm chí là bị giảm điểm, như các chỉ số Tính minh bạch, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động.
“Thông qua PCI 2021, Hải Dương đã định lượng được kết quả cải cách của tỉnh trong cả năm qua. Chúng tôi thấy rõ được những điểm hạn chế để có chính sách, giải pháp điều chỉnh kịp thời trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các chính sách này vẫn phải được đảm bảo thực hiện trên nguyên tắc ‘3 không - 5 rõ - 6 dám’ mà Đảng bộ Tỉnh đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ”, ông Thăng nhấn mạnh.
Nguồn: báo Đầu tư