Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất cho Đông Nam Á
Hayat là nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới, có 21 nhà máy tại 8 quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Algeria, Nga, Nigeria, Pakistan và Việt Nam.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Hayat hoạt động tại Việt Nam qua Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam được thành lập vào tháng 11/2019, với vốn đầu tư 100 triệu USD và có trụ sở chính tại Bình Phước.
Bên cạnh ngành kinh doanh chính là sản xuất các loại tã trẻ em, băng vệ sinh, khăn ướt, vào đầu tháng 10/2021, công ty này đăng ký thêm ngành sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng (cụ thể là sản xuất khẩu trang y tế).
Nhà máy rộng 32 ha đặt tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước sẽ là “trung tâm sản xuất” của Hayat tại ASEAN.
Theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ xuất khẩu khoảng 40% sản lượng của nhà máy Việt Nam sang Thái Lan, Malaysia và một số ở thị trường ASEAN khác thông qua công ty đại diện.
Ông Murat Cetin, Tổng giám đốc Hayat Kimya Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ là “cánh cổng vàng” mở ra cơ hội để Hayat thâm nhập các thị trường tiềm năng khác tại Đông Nam Á.
Trong giai đoạn hai, nhà máy Hayat tại Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm tới các thị trường khác trong ASEAN như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia.
Tổng giá trị xuất khẩu của Hayat Việt Nam được kỳ vọng đạt 50 triệu USD/năm.
Bên cạnh hạng mục tã giấy cho em bé, Hayat Kimya Việt Nam còn có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.
Tham vọng chiếm 30% thị trường trong 5 năm tới
Bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh, Hayat đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm hiện thực hoá tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam.
Sau khi lập nhà máy, đến nay, sản phẩm của công ty này đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia với doanh thu 2 triệu USD.
Chỉ vừa ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên là tã trẻ em Molfix vào tháng 9/2021, Hayat đã phân phối đến có hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống, gần 1.000 cửa hàng mẹ và bé, siêu thị, đại siêu thị lớn nhỏ và các cửa hàng chính hãng của Molfix trên các kênh bán hàng điện tử.
Molfix được nhà sản xuất định vị ở phân khúc phổ thông, phân khúc chiếm 82% thị trường.
Bà Chi Nguyễn, Giám đốc marketing khu vực Đông Nam Á của Hayat cho biết, để gia nhập thị trường Việt Nam, Tập đoàn đã lặng lẽ tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu từ hơn 4 năm trước, gặp gỡ hơn 2.000 các bà mẹ trên toàn lãnh thổ để hiểu hơn về nhu cầu.
Tham vọng đưa sản phẩm Molfix “Made in Vietnam” chiếm 30% thị phần tã trẻ em tại Việt Nam vào năm 2025 đã được tính toán dựa trên những thành tựu mà Tập đoàn này đã đạt được ở các thị trường khác, trong quá khứ.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường cực kỳ tiềm năng với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dành cho em bé, với 8% dân số là trẻ từ 0-4 tuổi. Mỗi năm có 1,5 triệu trẻ sơ sinh được chào đời và tỷ lệ sinh cao (2.09 con/phụ nữ).
Theo nghiên cứu của AC Nielsen, giá trị thị trường tã tại Việt Nam là hơn 600 triệu USD và có hơn 3.5 tỷ miếng tã được sản xuất mỗi năm. Trong đó, phân khúc tã quần chiếm ưu thế với 59% và đang tăng trưởng mạnh, tã dán chiếm 24% và miếng lót chiếm 18% thị trường.
Ông Murat Cetin, Tổng giám đốc Hayat Việt Nam cho rằng, gia nhập thị trường Việt Nam ở giai đoạn này với thương hiệu Molfix là quyết định đúng đắn nhất.
90% lượng tăng trưởng dân số toàn cầu trong 50 năm tới sẽ đến từ châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường tã trẻ em tiềm năng nhất của khu vực với dự báo tốc độ phát triển đạt mốc hai chữ số trong giai đoạn 2021-2027.
Hayat đang sở hữu 15 nhãn hàng thuộc danh mục sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa, khăn giấy và chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Vì vậy, Tập đoàn này sẽ không chỉ tham gia thị trường Việt Nam bằng sản phẩm tã trẻ em mà còn cân nhắc đưa ra thị trường một số sản phẩm khác như khăn giấy Papia, Familia; chất tẩy rửa Bingo…
“Chúng tôi gần như không thấy có dấu hiệu suy giảm nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh. Bởi các sản phẩm này nắm giữ vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của phần đông người tiêu dùng”, ông Murat Cetin chia sẻ.
Tính đến tháng 9/2021, có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,2 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.
Hà Lan đứng đầu với 382 dự án với tổng vốn 10,36 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam; Pháp đứng thứ hai với 632 dự án cùng tổng vốn 3,62 tỷ USD; Đức đứng thứ ba với 405 dự án với 2,25 tỷ USD.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong trung hạn và dài hạn.
Nguồn: báo Đầu tư