Năm 2021 đầy biến động đã qua, sang năm 2022, kinh tế Việt Nam có thêm động lực tăng trưởng nhờ gói kích thích khoảng 350.000 tỷ đồng đã được ban hành. Trong bối cảnh kinh tế kỳ vọng đi lên sau hai năm COVID, các tỉnh thành cũng có những kế hoạch nổi bật, dự báo đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dẫn đầu cả nước với kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 304.799 tỷ đồng, vượt xa tất cả các tỉnh thành còn lại.
Nổi bật trong danh mục các dự án giao thông trọng điểm phải kể đến vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án dài hơn 100 km, tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Vành đai 4 dự kiến hoàn thành vào năm 2028, được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngoài siêu dự án vành đai 4, Hà Nội dự kiến đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc); đường vành đai 2,5 và vành đai 3,5; cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc.
Ở phía Nam, vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang được gấp rút chuẩn bị phương án đầu tư để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây.
Giai đoạn 1 dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 75.700 tỷ đồng. Giai đoạn này dự án làm 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường song hành 2 bên và giải phóng một lần theo quy hoạch (8 làn xe, 2 đường song hành vỉa hè...).
Theo tính toán, mức đầu tư đường vành đai 3 TP HCM khoảng 910 tỷ đồng/km (bao gồm giải tỏa mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện, xây dựng đường cao tốc, đường song hành...), trong đó chi phí xây dựng khoảng 294 tỷ đồng/km.
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI được kỳ vọng là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Nói riêng về các tỉnh thành, Hải Phòng dẫn đầu với mục tiêu thu hút vốn FDI 12,5 - 15 tỷ USD. Một số địa phương khác mạnh về hút đầu tư nước ngoài cũng có kế hoạch rõ ràng cho giai đoạn 2021-2025, như Bình Dương phấn đấu vốn FDI đăng ký đạt trên 9 tỷ USD, trong đó ưu tiên những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao; Quảng Ninh đặt mục tiêu hút hơn 5 tỷ USD; Đồng Nai 5 - 6 tỷ USD, Đà Nẵng đạt khoảng 3 tỷ USD.
Trong khi đó, riêng năm 2022, TP HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,8 - 6 tỷ USD.
Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tính đến năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114.000 ha. Đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ có 558 KCN. Như vậy trong 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm 177 KCN.
Giai đoạn 2021-2025, nhiều tỉnh thành đã công bố kế hoạch xây mới các KCN, tạo tiền thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tháng 1 đầu năm, Hà Nội ban hành quyết định lập 2-5 KCN mới giai đoạn 2021-2025 gồm: KCN sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; KCN Phụng Hiệp huyện Thường Tín.
Cũng trong tháng 1, Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, thực hiện Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy, giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tịch 6.200 ha.
Còn tại Hải Dương, tỉnh hiện có 14 KCN được thành lập. Định hướng quy hoạch phát triển các KCN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ có trên 30 KCN.
Ở giai đoạn 2021-2030, Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu xây mới KCN lần lượt là 19, 23 và 25.
Ở phía Nam, theo thông tin từ Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, tỉnh này sẽ ưu tiên làm KCN có sẵn. Theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh hiện có 40 KCN, trong đó 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, còn lại 8 KCN chưa được thành lập. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch thêm 27 cụm công nghiệp nằm trải đều ở các huyện, thành phố và đa số chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND TP HCM diễn ra hôm 8/1, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết trong năm 2022, ban này sẽ tham mưu cho TP HCM và Chính phủ thành lập mới KCN Phạm Văn Hai với quy mô 668 ha, trong đó có khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân. Đây là thông tin thu hút sự chú ý do nhiều năm nay, TP HCM chưa có thêm KCN mới.
Còn "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích KCN trong năm 2022. Tỉnh có 34 KCN đã được chấp thuận về quy hoạch. Đến nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN và đi vào hoạt động 27 KCN với tỷ lệ lấp đầy trên 88%.
Hồi cuối năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành nghị quyết về việc phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực, logistics của tỉnh và khu vực.
Khu kinh tế Vũng Áng, diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006, hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào Khu kinh tế Vũng Áng đạt từ 3,5 tỷ USD - 5,5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 55.000 - 60.000 tỷ đồng. Hàng hóa thông qua cảng trên 40 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 7,5 - 8,5 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 25.000 lao động.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 4 tỷ USD - 7 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60% - 70%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 100.000 - 120.000 tỷ đồng. Hàng hóa thông qua cảng trên 60 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 12 tỷ USD - 14 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 30.000 lao động.
Xét về mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến 2025, Hải Phòng dẫn đầu với kế hoạch đạt 11.800 USD/người/năm. Các tỉnh thành còn lại trong nhóm dẫn đầu đặt mục tiêu trong khoảng 8.000 USD - hơn 10.000 USD/ người/ năm.
Nói riêng về tốc độ tăng trưởng, năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu cao thứ hai cả nước (tăng trên 13%), đứng đầu là Bắc Giang với mục tiêu tăng 14%. Năm vừa qua, Hải Phòng cũng tăng trưởng cao nhất, đạt 12,38%.
Trong dự thảo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận xác định công nghiệp năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là năng lượng sạch: điện mặt trời, điện gió, thủy điện; điện khí hóa lỏng (LNG).
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
Dự kiến quy hoạch phát triển ngành năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt khoảng: 23441.23 MW, trong đó: điện mặt trời (áp mái, mặt đất, mặt nước): 9048 MW; điện gió (đất liền, ngoài khơi): 5800 MW; thủy điện (thuỷ điện nhỏ-vừa, tích năng): 2534.8 MW; năng lượng khác (điện sinh khối, điện khí hoá lỏng LNG): 6058.43 MW.
Cũng theo dự thảo, chi phí tổng vốn đầu tư vào tỉnh này giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 212.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư tập trung nhiều nhất ở ngành điện và năng lượng với 79.480 tỷ.
Báo cáo mới đây của SSI Research nhận định xu hướng cấu trúc ngành dầu khí năm 2022 có trọng tâm là phát triển LNG.
Lấy việc xây dưng cơ sở hạ tầng LNG làm trọng tâm, Chính phủ đã phê duyệt nhiều dự án khu phức hợp năng lượng LNG để giải quyết vấn đề thiếu cung khí và nhu cầu điện tăng.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam định hướng đến năm 2035, Chính phủ đã đặt mục tiêu cho nguồn cung và tiêu thụ khí. Sản xuất khí trong nước theo kế hoạch trong khoảng 17-21 tỷ m3 đến 2035, với sản lượng tiêu thụ là 23-31 tỷ m3. LNG nhập khẩu sẽ bù đắp phần nguồn cung khí.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện khí để đa dạng nguồn điện năng và giảm phát thải. Cụ thể, Quy hoạch điện 8 cho giai đoạn 2021-2045 (dự thảo công bố vào tháng 11/2021) ước tính công suất điện khí tăng trưởng mạnh. Theo dự thảo, mục tiêu công suất phát điện khí đạt gần 55.000 MW đến 2035 (trong đó công suất điện LNG là 40 GW), đây là mức công suất lớn so với điện khí hiện tại chỉ đạt 9GW vào cuối 2021.
Điểm qua một số dự án nhà máy điện khí được đề xuất/ có kế hoạch xây dựng, có thể thấy địa điểm tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
Nguồn: báo Vietnambiz