IMF hạ dự báo tăng trưởng châu Á sau khi Delta, biến thể có khả năng lây lan cao của Covid-19, khiến các ca nhiễm tăng đột biến ở khu vực này.
"Đại dịch Covid-19 toàn cầu vẫn đang tàn phá khu vực châu Á", IMF nhấn định trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố ngày 19/10.
Các nước châu Á đã tương đối thành công trong kiềm chế dịch Covid vào năm 2020. Nhưng năm 2021, một số quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, và Việt Nam đã phải chật vật chống chọi với làn sóng nhiễm bệnh mới trong khi việc triển khai tiêm chủng còn chậm.
Sự bùng phát trở lại của Covid-19 đã khiến các quốc gia châu Á siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch, ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ và khiến một số nhà máy phải tạm thời đóng cửa. Điều này cùng đã làm giảm triển vọng kinh tế của châu Á ngay cả khi nhu cầu xuất khẩu của khu vực này rất lớn, IMF đánh giá.
Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á bị hạ dự báo tăng trưởng nhiều nhất. Trong đó, nền kinh tế Myanmar, nơi diễn ra chính biến vào tháng 2, được dự báo sẽ suy giảm 17,9% trong năm 2021, cao hơn 9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF.
Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng của Philippines sẽ giảm 3,7 điểm phần trăm xuống 3,2%, còn tăng trưởng của Malaysia ước giảm 3 điểm phần trăm xuống 3,5%.
Mặt khác, IMF nâng dự báo tăng trưởng đối với một số nền kinh tế phát triển ở khu vực. Trong đó, Hong Kong dự ước sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2021, từ mức tăng 4,3% được dự báo trước đó, còn tăng trưởng của Singapore được kỳ vọng đạt mức 6%, cao hơn từ mức tăng dự báo trước đó là 5,2%.
IMF cho rằng, mặc dù bị tụt hạng tăng trưởng, nhưng châu Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu trong năm 2021. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế ở khu vực. IMF nhận định Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2021 còn Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 9,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022.
Dẫu vậy, IMF cho rằng các yếu tố như làn sóng nhiễm Covid-19 mới có thể khiến các dự báo kinh tế của họ về khu vực châu Á chệch hướng. "Các dự báo có độ không chắc chắn cao liên quan đến sự xuất hiện của các biến thể mới (của Covid-19), nhận định về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát, cũng như sự thay đổi trong tình hình tài chính toàn cầu", IMF nêu.
Tổ chức này cũng cảnh báo về "việc bình thường hóa chính sách không kịp thời hoặc việc tuyên truyền chính sách bị sai hướng" ở Mỹ, có thể khiến lượng lớn vốn rút khỏi khu vực châu Á và đẩy chi phí vay ở các thị trường mới nổi châu Á tăng cao hơn.
Nguồn: báo Đầu tư