Tận dụng tối đa FTA
Tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021 diễn ra chiều 22/12, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế từ FTA song phương với khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU, với 5 thị trường Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.
FTA VN-EAEU có hiệu lực từ tháng 10/2016, đã thúc đẩy thương mại song phương của Việt Nam với Nga tăng trưởng nhanh nhất so với 4 thị trường còn lại trong FTA này. Chỉ riêng 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020, ấn tượng nhất là xuất khẩu trái cây sấy đóng hộp đạt 8,4 triệu USD, chủ yếu là xoài, dứa…
Tuy nhiên, trên bình diện chung, dù xuất khẩu sang Nga luôn dẫn đầu trong EAEU, nhưng vẫn còn khá thấp, 11 tháng mới đạt gần 3 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ. “Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và 4 nước thuộc EAEU phần lớn đều có thuế quan 0%. Đây là một lợi thế rất lớn sau 5 năm thực thi FTA VN-EAEU và các doanh nghiệp Việt cần tận dụng tối đa các quy định về xuất xứ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa”, ông Minh nói.
Để xuất khẩu tăng tốc tương xứng với lợi thế từ FTA đã có, doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham dự nhiều hơn các triển lãm chuyên ngành về dệt may, thực phẩm - những ngành được đánh giá có triển vọng xuất khẩu tốt sang Nga. Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng kênh người Việt Nam sống và làm việc tại Nga để đưa hàng qua hệ thống bán lẻ, từ đó tiến sâu vào các kênh phân phối bản địa.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, khu vực Á - Âu là thị trường rộng lớn, bao gồm 28 nước thuộc khu vực Đông Âu và Trung Á, trong đó có 11 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu; 5 quốc gia khu vực Tây Ban-căng; 5 quốc gia là thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu và 7 quốc gia khác gồm Ukraine, Moldova, Azerbaijan, Gruzia, Uzbekistan, Tajikistan, Turmenistan.
Với dân số hơn 410 triệu người, GDP gần 3.337 tỷ USD, đây là các thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường này gần 1.400 tỷ USD, trong đó hàng Việt Nam mới chiếm 0,66%. Nhóm hàng hóa thiết yếu có dư địa tăng trưởng cao, nhất là nông thủy sản, rau quả đóng hộp…
Năm 2020, thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Âu đạt 12,7 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 8,87 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu 3,78 tỷ USD, tăng 18,5%. Trong 11 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều đạt 12,7 tỷ USD, tăng 12%.
Ngoài FTA VN-EAEU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng tạo thuận lợi về thương mại cho xuất khẩu hàng hóa sang 11 quốc gia thuộc EU như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia, Ukraine...
Chuẩn hóa quy trình chế biến hàng xuất khẩu
Theo ông Lý Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm), yêu cầu của nhà nhập khẩu thực phẩm và nông, thủy sản tại khu vực châu Âu cao và rất rõ ràng, minh bạch, không khó để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu. Với các nước EAEU, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản hiện chưa tăng cao do rào cản về kiểm dịch và tiêu chuẩn của thị trường chưa minh bạch.
“Dù xuất khẩu sang thị trường nào, một khi đã trao đổi thương mại biên giới theo phương thức chính ngạch, thì phải làm theo tiêu chuẩn cao để vào được nhiều thị trường. Doanh nghiệp cần hiểu được quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát quy trình sản xuất theo chuỗi, từ trang trại đến chế biến, phân phối”, ông Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc một số lô hàng thực phẩm đóng gói của Việt Nam xuất sang EU bị “thổi còi” vì chứa chất Ethylene Oxide (EO) vượt ngưỡng theo tiêu chuẩn của EU, các chuyên gia tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021 cho biết, xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về ngưỡng của một số chất trong thực phẩm chế biến tại EU sẽ càng được nâng cao.
Thực tế, trong khi các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn, nếu không cập nhật và tuân thủ, thì khi hàng hóa bị nước nhập khẩu thu hồi do chứa chất EO vượt ngưỡng, doanh nghiệp sẽ bị “soi” kỹ hơn trong các lô hàng xuất khẩu sau này.
Nguồn: báo Đầu tư