name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Không ít doanh nghiệp chưa hài lòng với thủ tục hải quan

16/12/2021451

Phải nộp thuế do hết thời hạn xác nhận C/O

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh cùng những đứt gãy của thương mại toàn cầu trong gần 2  năm qua, các bộ, ngành vẫn rất quyết liệt cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp rất ghi nhận.

Không phủ nhận nỗ lực cải cách thủ tục hải quan, nhưng Công ty Hanaka phản ánh, việc áp mã H/S (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) thường xuyên thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị tăng thuế nhập khẩu.  “Từ trước đến nay, chúng tôi nhập giấy cách điện kraft về phục vụ hoạt động sản xuất máy biến áp và cáp cách điện chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 5%, nhưng mới đây bị áp thuế lên tới 15% vì mặt hàng này bị thay đổi mã H/S, doanh nghiệp bị truy thu thuế”, đại diện Hanaka cho biết.

Theo đại diện Hanaka, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn, nên áp thuế nhập khẩu giấy cách điện kraft 0% vì mặt hàng này trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu 100% để phục vụ việc sản xuất máy biến áp và dây cáp cách điện.

Doanh nghiệp cho biết, còn gặp tương đối nhiều khó khăn khi xác định mã số H/S hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ gặp phải vấn đề liên quan đến C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Doanh nghiệp này từng phải nộp thuế 8 lô hàng hóa vì hết thời hạn xác nhận C/O. “Hiện chúng tôi còn 2 lô hàng nhập khẩu chưa được hưởng ưu đãi thuế do phía đối tác (doanh nghiệp Philippines) chưa làm các thủ tục với cơ quan chức năng để xác nhận C/O”, đại diện doanh nghiệp này cho biết. 

Theo Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thái Việt Trung, ông Trần Văn Hào, quy định về việc ghi cả số hiệu container lẫn biển số xe đầu kéo hiện rất phiền hà cho doanh nghiệp vận chuyển, nếu phải chuyển xe đầu kéo vì một lý do nào đó. Hàng hóa trong container đã được kẹp chì nên chỉ cần ghi mã số container là đủ, không cần thiết phải ghi cả biển số xe trong các loại giấy tờ vận chuyển, vì trong trường hợp phải chuyển sang xe khác thì rất phiền phức.

Hơn nữa, trong vận chuyển liên vận, để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, nếu vẫn bắt buộc phải ghi cả biển số xe lẫn mã số container thì sẽ vô cùng phiền phức, mất nhiều thời gian không đáng có của doanh nghiệp. “Nhập khẩu hàng hóa từ các nước có chung biên giới cũng phiên phức không kém khi chủ hàng phải kê đẩy đủ, chi tiết hàng hóa nhập khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra”, ông Hào phản ánh.

Theo dõi cả xe đầu kéo lẫn container

Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đã giảm tối đa việc xác minh C/O từ nước ngoài, nhưng nhiều loại hàng hóa bắt buộc phải có C/O, nên không còn cách gì khác, doanh nghiệp phải đáp ứng. Trong thời gian chưa xác minh được C/O, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế, nếu quá thời hạn không xác minh được C/O, doanh nghiệp phải nộp thuế như hàng hóa không được hưởng ưu đãi.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp, khi gửi C/O sang nước ngoài xác minh, cơ quan hải quan sẽ thông báo cho doanh nghiệp để họ liên hệ với đối tác, người cung cấp hàng hóa bên nước ngoài chủ động đi xác minh C/O, tránh trường hợp nộp thuế do việc xác minh C/O bị chậm trễ”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, với xe chở hàng container, vẫn cần thiết phải theo dõi cả xe đầu kéo lẫn container vì ngành giao thông quản lý phương tiện giao thông (xe đầu kéo), còn ngành hải quan chỉ quản lý hàng vận chuyển (container). “Tuy nhiên, để tránh phiền hà cho doanh nghiệp vận tải, ngành hải quan sẽ thống nhất với ngành giao thông quy định tối giản các thủ tục trong trường hợp xe đang chạy trên đường bị hỏng, hay vì lý do nào đó phải thay xe đầu kéo khác”, ông Thành cho biết.

Việc ùn tắc xe chở hàng ở các cửa khẩu biên giới, theo ông Thành, có nhiều lý do, trong đó việc kiểm tra bảng kê hàng hóa nhập khẩu chỉ góp phần nhỏ (nếu có), nên dứt khoát chủ hàng vẫn phải lập bảng kê chi tiết hàng hóa nhập khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra. Cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, nhưng không thể tìm được chủ hàng.

“Nếu không yêu cầu chủ hàng kê khai chi tiết hàng hóa nhập khẩu thì sẽ có biết bao nhiêu lô hàng qua cửa khẩu là đưa thẳng vào nội địa, cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước”, ông Thành cho biết.

Khảo sát mới được VCCI thực hiện cho biết, doanh nghiệp rất hài lòng với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc; việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn. Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao là khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá,  hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại.

“Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan trong thời gian gần đây cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động... Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết, còn gặp tương đối nhiều khó khăn khi xác định mã số H/S hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Nguồn: báo Đầu tư

0945719795