Chỉ có Công đoàn thu kinh phí
Một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 được cụ thể hóa trong Nghị quyết 105/NQ-CP là đề xuất miễn nộp công đoàn phí cho công đoàn viên và giảm đóng kinh phí công đoàn năm 2021 và 2022 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, nghiên cứu giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, nguyên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài việc miễn công đoàn phí và kinh phí công đoàn “ngay và luôn” để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn thì cũng nghiêm túc nghiên cứu xem có nên luật hóa việc doanh nghiệp phải nộp kinh phí công đoàn hay không khi sửa Luật Công đoàn.
“Chúng ta có 6 tổ chức chính trị - xã hội gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn Việt Nam. Tất cả các tổ chức này đều cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên; tuyên truyền, vận động thành viên lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng tại sao chỉ có Công đoàn thu kinh phí công đoàn của người sử dụng lao động (2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội), còn 5 tổ chức chính trị - xã hội khác không thu? Chưa kể phí công đoàn thực chất chỉ là hội phí do hội viên đóng góp cũng cao hơn rất nhiều (1% mức lương đóng bảo hiểm xã hội) so với hội phí của các tổ chức khác”, ông Sinh cho biết.
Cũng theo ông Sinh, đã đến lúc xem xét giảm công đoàn phí và kinh phí công đoàn, thậm chí có thể bỏ kinh phí công đoàn vì nhiều khoản chi của Quỹ công đoàn trùng lặp với các khoản chi của ngân sách nhà nước.
“Theo Luật Công đoàn thì Quỹ công đoàn được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn… Các khoản chi này đều có trong ngân sách nhà nước, vì vậy, cần phải giảm cả mức đóng góp công đoàn phí và kinh phí công đoàn”, ông Sinh đề xuất.
Kinh phí công đoàn không khác gì một khoản thuế
Về cơ bản, các mức thuế suất của Việt Nam khá hấp dẫn, thấp hơn nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, nếu cộng các khoản mà doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp, trong đó có kinh phí công đoàn thì mặt bằng thuế suất của Việt Nam không hề thấp, làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nản lòng doanh nghiệp nội địa.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, kinh phí công đoàn do người sử dụng lao động đóng bằng 2% quỹ lương tính bảo hiểm xã hội không khác gì một khoản thuế. Với những ngành thâm dụng lao động như chế biến thuỷ sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, điện thoại… thì khoản đóng góp kinh phí công đoàn là gánh nặng vô cùng lớn.
Đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, nhưng ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thắc mắc, không hiểu vì sao kiến nghị giảm kinh phí công đoàn đã được nhiều hiệp hội ngành hàng lên tiếng, nhưng đến nay vẫn không sửa, thậm chí Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn vẫn giữ nguyên mức thu phí công đoàn 2% tính trên quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp trả cho người lao động.
Theo quy định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có việc người lao động được tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể. Điều đó có nghĩa là bên cạnh tổ chức công đoàn, người lao động có thể tham gia tổ chức tương tự, có thể tham gia cả 2 tổ chức hoặc chỉ tham gia một trong 2 tổ chức mà họ thấy phù hợp, thực sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
“Chính vì vậy, không thể quy định cứng nhắc là người lao động phải đóng bao nhiêu, doanh nghiệp phải đóng bao nhiêu vào Quỹ công đoàn, vì nếu ấn định, người lao động có thể không tham gia vào Công đoàn mà tham gia vào tổ chức khác. Khi sửa Luật Công đoàn nên quy định khoản đóng góp này là tự nguyện hoặc quy định mềm dẻo”, ông Đỗ Văn Sinh kiến nghị.
Nguồn: báo Đầu tư