name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Kinh tế số - tương lai của tăng trưởng kinh tế Việt Nam

31/08/2021242

Việt Nam ở đâu trong “cuộc đua” số hóa?

Nhận xét về sự phát triển kinh tế số của Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Jacques Morisset, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel… Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970, 1980 và gần đây là Trung Quốc.

Theo báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tiêu đề "Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai” của WB vừa được công bố mới đây, Việt Nam là một trong những nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, mặc dù xuất phát điểm còn thấp. Doanh số thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng với tốc độ tương đương tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử thế giới và cao hơn so với tăng trưởng GDP.

Khi đánh giá Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số, WB cho rằng, Việt Nam đạt kết quả tốt so với các quốc gia tương đồng và thậm chí so với cả các quốc gia đi trước trong một số nội dung về kết nối, với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, cùng những tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ số mới của doanh nghiệp và Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả của Việt Nam tương đối thấp về làm chủ công nghệ và bảo vệ người dùng.

Trước khủng hoảng Covid-19, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, nhưng đại dịch đã làm thay đổi “cuộc chơi” đối với khu vực tư nhân. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Những khảo sát của WB cho thấy tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh nhằm ứng phó với dịch Covid-19, từ 48% doanh nghiệp vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số tăng hơn 4 lần từ 5% lên 21%.

Đặc biệt, các doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá, năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ đã được trang bị tốt hơn để làm chủ kinh tế số. Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 7/3/2019 đã chỉ ra những nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng để phát triển Chính phủ số trong giai đoạn 2020-2025. Trong tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Nghị định 47/2020/NĐ-CP về chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về định danh và xác thực điện tử đang được lấy ý kiến và dự kiến được ban hành vào năm 2021, được kỳ vọng sẽ tạo thêm các nền tảng cho công cuộc ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam.

Chính phủ cũng đẩy mạnh nỗ lực tinh giản các thủ tục và cung cấp dịch vụ công cho người dân thông qua các phương tiện số. Đơn cử, theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2021, tổng số thủ tục hành chính của Bộ Tài chính là 895, trong đó 81 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 452 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đến nay, đã kết nối, tích hợp 285/533 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 53,4%. Riêng Tổng cục Hải quan đã cung cấp 209 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chiếm gần 90% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện trên các hệ thống công nghệ thông tin với gần 7 triệu hồ sơ được tiếp nhận giải quyết.

“Tham vọng” chuyển đổi số

Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu với tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Mục tiêu cơ bản đến 2025 là tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI)… Đây được đánh giá là các mục tiêu đầy tham vọng và không dễ thực hiện nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều bên.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT, từng đặt ra tình huống “chuyển đổi số hay là chết” để khẳng định tính tất yếu mang tính sống còn của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ trong tình hình và xu hướng phát triển hiện nay. Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức và triển khai số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Hơn nữa, áp dụng chuyển đổi số phải tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp...

Tất nhiên, với nhiều doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý, việc chuyển đổi số để tiến lên nền kinh tế số còn nhiều thách thức, nhưng vẫn phải là việc cần làm ngay. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt để đạt được “tham vọng" chuyển đổi số, nhưng cần tận dụng sức mạnh của mình và thu hẹp khoảng cách ở những điểm còn yếu để số hóa nền kinh tế. Nghiên cứu của WB cho hay, trên 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 63% doanh nghiệp lớn hiện chưa rõ lợi tức đầu tư công nghệ bằng bao nhiêu và liệu việc đầu tư đó có phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Chưa đến 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết hoặc thiếu thông tin về những công nghệ hiện có hoặc thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cho biết việc tiếp cận nguồn tài chính còn hạn chế…

Vì thế, ông Jacques Morisset cho rằng, ngoài hạ tầng hiện đại thì cần đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số. Đây là giải pháp trọng tâm vì có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa. Bên cạnh đó là phải đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động, vì chu kỳ đổi mới trong kinh tế số rất ngắn. Chính phủ cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh, có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập thị trường và tăng cường các quy định pháp lý. Ngoài ra, Chính phủ cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin, thực hiện trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch tối đa nhằm tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân.

Nguồn: HQ online

0945719795