Theo đó, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng chỉ ra nhiều tồn tại về công tác quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng, như hầu hết các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành chưa được phê duyệt.
Nhất là, tính từ khi Thủ tướng có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh (ngày 15/6/2021), đến nay đã hơn 6 tháng nhưng quy hoạch tỉnh chỉ ở bước lựa chọn đơn vị tư vấn là chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra chất lượng của một số đồ án còn chưa cao, chưa đảm bảo tính kế thừa trong dự báo, định hướng phát triển, tiến độ triển khai lập quy hoạch còn chậm so với kế hoạch đề ra; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng chưa được phủ kín, gây ảnh hưởng đến việc quản lý, đầu tư xây dựng và giải quyết các nhu cầu của người dân; theo quy định của Luật Xây dựng và Luât Quy hoạch đô thị, quy định khuyến khích sử dụng kinh phí của các tổ chức, cá nhân để lập quy hoạch, nhưng hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận kinh phí tài trợ kinh phí tài trợ công tác quy hoạch, nên địa phương còn lúng túng khi tiếp nhận và sử dụng.
Đáng chú ý, qua xem xét hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và huyện Đức Trọng, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận thấy một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong hồ sơ ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng lại cho phép “cập nhật các công trình Dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019” vào điều chỉnh quy hoạch là chưa chặt chẽ.
Cũng theo báo cáo giám sát, việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc bố trí quỹ đất phát triển đô thị, khu dân cư chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, chưa đa dạng, diện tích lô đất chưa phù hợp với điều kiện của người dân, nhất là vùng nông thôn. Ngoài ra, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai trái, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý.
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác lập quy hoạch phân khu tại các địa phương.
Đơn cử, tại thành phố Đạt Lạt có đến 15/22 quy hoạch phân khu kéo dài từ 3 đến 5 năm. Tại thành phố Bảo Lộc điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 đến 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt, trong đó có 36/44 hồ sơ chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34/44 hồ sơ chưa có ý kiến cộng đồng dân cư.
Cũng tại thành phố Bảo Lộc, quy hoạch đô thị từ năm 2021 đến 2030 có 34 hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, trong đó có 12/34 hồ sơ chưa lấy ý kiến, có 3 hồ sơ thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cùng ngày và 6 hồ sơ phê duyệt quy hoạch không có văn bản thẩm định.
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Xây dựng báo cáo đầy đủ nội dung và số liệu theo yêu cầu của đề cương báo cáo về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật, trong đó cần làm rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Trong quá trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp kế hoạch sử dụng đất hàng năm không theo đúng quy hoạch”, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị.
Nguồn: báo Đầu tư