Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng quan trọng là làm sao để Việt Nam thực sự là đích đến.
Hàng tỷ USD đang chờ thời
“Gã khổng lồ” Trung Quốc là Victory Giant Technology đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một dự án lớn tại Việt Nam. Trung tuần tháng 3/2024, khi đoàn công tác của tỉnh Bắc Ninh đi xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc và đến “thủ phủ” của Victory Giant Technology, thỏa thuận cho thuê đất đã được ký. Dự kiến, tập đoàn này sẽ mở một nhà máy chuyên sản xuất bảng mạch PCB, với vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP 2. Nếu mọi việc thuận lợi, nhà máy sẽ sớm được triển khai để có thể đi vào hoạt động trong năm tới.
Trong khi đó, ngay sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, được tổ chức vào cuối tháng 3, Bình Định đã đón tiếp nhiều tỷ phú của thế giới đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong số này có tỷ phú Peter Palanugool, Chủ tịch Bangkok Assay Office - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu của Thái Lan.
Tại hội nghị trên, có tới 10 biên bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Bình Định đã được trao cho Bangkok Assay Office. Trong đó có các dự án liên quan đến chế biến vàng từ rác điện tử, nhà máy sản xuất container, cảng tổng hợp chuyên dùng Phù Mỹ…
Tỷ phú Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd (Singapore) quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy điện gió tại Bình Định. Dự án dự kiến có vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 220 triệu USD).
“Chúng tôi mong muốn đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, bắt đầu với dự án điện gió ngoài khơi”, lãnh đạo của Pacifico Energy đã nói như vậy với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhân chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam cùng với đoàn công tác của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).
Được biết, Pacifico Energy là đơn vị thành viên của Tập đoàn Năng lượng tái tạo Pacifico Energy, chuyên phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió ngoài khơi. Với mục tiêu phát triển tại Việt Nam khoảng 1.000 MW điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn 2020-2025, Pacifico Energy đã xây dựng và đưa vào vận hành dự án điện mặt trời Mũi Né từ tháng 9/2020, đang đầu tư 2 dự án mặt trời khác tại tỉnh Bình Thuận và 1 dự án điện gió tại tỉnh Bến Tre. Tập đoàn này cũng từng tới Quảng Trị để đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án điện gió.
Cùng tới Việt Nam hồi trung tuần tháng 3/2024 với Đoàn doanh nghiệp USABC, mà theo ông Ted Osius, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC, là “đông nhất từ trước tới nay”, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ khác như AES, Coca-Cola, KKR… cũng khẳng định các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Trong số này, AES đặc biệt quan tâm đến chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ. Hàng tỷ USD dự kiến được AES cùng các đối tác đổ vào chuỗi dự án này, đồng nghĩa là hàng tỷ USD đang chờ đợi thời cơ thuận lợi để đổ vào Việt Nam.
Để đích đến là Việt Nam
Việt Nam đang trở thành trung tâm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á mới đây, ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã nói: “Đích đến cho việc lựa chọn Trung Quốc + 1 chính là Việt Nam, nên Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư rất lớn”.
Bình luận của ông Aaditya Mattoo liên quan đến kinh tế Việt Nam, với dự báo rằng, tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 5,5% trong năm nay - một mức tăng trưởng có thể là còn khiêm tốn. Bởi thế, ông Aaditya Mattoo cho rằng, Việt Nam “chưa nên hài lòng” ở con số tăng trưởng 5,5% khi đang là đích đến được lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài và đang có tiềm năng tăng trưởng lớn. Thúc đẩy tăng trưởng cũng là một giải pháp quan trọng để thu hút nhiều hơn nữa mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bày tỏ mối quan tâm đến chuỗi dự án Khí - Điện Sơn Mỹ, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Tập đoàn AES cũng băn khoăn về thủ tục đầu tư dự án này. “LNG Sơn Mỹ là dự án quan trọng để đảm bảo ổn định lưới điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Sự thúc đẩy của dự án này sẽ chứng minh với các nhà đầu tư khác là đầu tư vào điện khí rất có tiềm năng ở Việt Nam. Họ sẽ muốn đầu tư vào đây”, lãnh đạo Tập đoàn AES nói.
Thiếu điện cũng là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm hiện nay. Không chỉ là điện, các vấn đề về hạ tầng cơ sở nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng cần quan tâm thúc đẩy, chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin gần đây cho biết, sau các dữ liệu cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài tăng thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Trung Quốc đã liên tục tung các chính sách mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Tháng 8 năm ngoái, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động mới, gồm 24 điểm để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đang muốn khuyến khích các công ty nước ngoài mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực bán dẫn, y sinh, R&D… Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã có các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ để tìm cách khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.
Nỗ lực này của Trung Quốc là đáng chú ý. Cộng hưởng thêm các thông tin về việc ngay cả các nền kinh tế phát triển, như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… cũng sẵn sàng dành các khoản hỗ trợ hàng tỷ USD để kéo nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, có thể thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang vô cùng gay gắt. Để đích đến là Việt Nam, có lẽ, cần nhiều sự chuẩn bị sẵn sàng hơn nữa và nhanh chân hơn trong việc ban hành các chính sách về hỗ trợ đầu tư.
Nguồn: báo Đầu tư