Khi nghỉ việc để khám thai, lao động nữ cần chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ gì để được hưởng chế độ thai sản? Thời hạn giải quyết chế độ khi khám thai là bao lâu? – Cẩm Thúy (Vĩnh Phúc).
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Để được hưởng chế độ thai sản khi nghỉ việc để khám thai, lao động nữ cần chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019.
Theo điểm 2.2.1 mục 2.2 khoản 2 Điều 4 Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:
- Đối với trường hợp điều trị nội trú:
(1) Bản sao giấy ra viện của người lao động; và
(2) Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện (nếu chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú).
- Đối với trường hợp điều trị ngoại trú:
(1) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc
(2) Bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Lưu ý: Số lần đi khám thai trong 01 tháng của lao động nữ được quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Trong thời gian mang thai; lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai;
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ; nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ nghỉ việc để khám thai (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Thời hạn giải quyết hưởng chế độ thai sản được quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể như sau:
- Sau khi nghỉ việc để khám thai, lao động nữ phải nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại mục 1. cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày lao động nữ trở lại làm việc.
- Nếu lao động nữ thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ gồm:
(1) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; hoặc Giấy chứng nhận nuôi con nuôi (trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi).
(2) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
(3) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
(4) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
(5) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Sau khi nhận đủ hồ sơ của người lao động; trong thời hạn 10 ngày, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Thời hạn giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ của cơ quan bảo hiểm xã hội:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Ngoài ra, hiện nay người lao động đã có thể tự tra cứu tiến trình giải quyết chế độ ốm đau của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nguồn: Thuvienphapluat.vn