Tại toạ đàm "COVID-19 và FDI: tác động và triển vọng" chiều 27/9, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ Samsung đang xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu đô la, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Hiện Trung tâm R&D đã hoàn thành tiến độ trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển này đi vào hoạt động, số lượng kỹ sư Việt Nam từ 2.100 người trong hiện tại sẽ mở rộng lên tới 3.000 người, dự kiến sẽ nghiên cứu về các mảng trí tuệ nhân tạo, 5G, cơ sở dữ liệu lớn và internet vạn vật.
Về mặt dài hạn, trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực ngành công nghệ thông tin cũng như năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Theo ông Choi Joo Ho, mặc dù trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP HCM nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.
Nói thêm về môi trường đầu tư của Việt Nam, đại diện Samsung cho biết gần đây có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư", ông nói
Tương tự Samsung, mặc dù có nhiều khó khăn, Tập đoàn Nestlé vẫn có quyết định tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD.
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết khoản đầu tư trong hai năm nhằm tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Austraslia.
"Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.
Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Vậy thì chúng tôi tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới", đại diện Nestlé Việt Nam nói.
Khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Bình Dương, Tetra Pak Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất.
Mới đây, Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro. “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam nói.
Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 tổ chức ngày 22/9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trên thực tế chỉ có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, "chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi đây".
Làn sóng thứ 4 của đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng các doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng trong khi dịch chỉ mới bùng phát vài tháng gần đây.
Theo ông Jeffries, "hơi sớm" để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác, ông khẳng định.
Còn theo Ngân hàng HSBC, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI vào Việt Nam cũng “phục hồi phong độ” với các chính sách nhất quán, các lợi thế về nguồn nhân lực, một loạt hiệp định tự do thương mại và cam kết của Chính phủ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.
Nguồn: Vietnambiz