Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) vốn tồn tại suốt 70 năm qua đã bị sứt mẻ nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và thực thi chính sách đối ngoại khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Ông đã thực hiện cam kết khi tranh cử là thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới, không ngoại trừ đối tác lâu đời là EU. Mấu chốt gây nên căng thẳng giữa Mỹ và EU là những tranh cãi trong nhiều thập niên qua về việc trợ cấp chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing khiến hai bên tăng cường áp thuế trả đũa lẫn nhau. Cùng với đó là những đả kích và chỉ trích giữa hai bên cứ chực chờ bùng nổ và liên tục leo thang.
Tuy nhiên, có một thực tế là, khi dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu kể từ đầu năm đến nay, các biện pháp áp thuế giữa Mỹ và EU đều đã gây ra những tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng thương mại song phương, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome (Italy) vừa qua, Mỹ và EU đã đạt thỏa thuận về nới lỏng chính sách thuế quan đối của Mỹ với các sản phẩm thép và nhôm, qua đó tránh được nguy cơ EU áp thuế trả đũa đối với mô tô, rượu whishkey và các sản phẩm khác nhập khẩu từ Mỹ.
Trong tuyên bố chung, Mỹ và EU nhấn mạnh hai bên đã có các bước đi để thiết lập lại dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương đối với các mặt hàng thép và nhôm, cũng như giải quyết những thách thức trong lĩnh vực này. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 2 năm, theo đó các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn giữ nguyên, song chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thép và nhôm vượt quá hạn ngạch quy định. Để được miễn thuế, các mặt hàng nhôm và thép phải được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Đổi lại, EU rút quyết định áp mức thuế 50% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden nhấn mạnh, với thỏa thuận này, Mỹ và EU mở ra “một kỷ nguyên mới hợp tác xuyên Đại Tây Dương”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề thương mại của EU, ông Valdis Dombrovskis, khẳng định thỏa thuận này là bước đi quan trọng đúng hướng, song vẫn chưa giải quyết hoàn toàn tranh cãi giữa hai bên. Hai bên đã đồng ý tạm dừng tranh chấp thương mại thép và nhôm (mục 232) và khởi động hợp tác trong Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững.
Trong tương lai, Mỹ và EU sẽ phân tích khối lượng nhập khẩu thép và nhôm từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, và đảm bảo rằng các sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Việc thực thi hạn ngạch thuế quan phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng các biện pháp mới có hiệu quả trong việc đáp ứng các mục tiêu này.
Nguồn: báo Hải quan