Lần đầu tiên, Việt Nam nằm trong top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới, song xu hướng giảm sút nguồn FDI đã bộc lộ khá rõ trong những tháng gần đây. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn
Vốn đăng ký giảm, vốn giải ngân cũng giảm
Không phải là số liệu về vốn đăng ký, mà số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới là con số đáng chú ý trong những ngày gần đây, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, tháng 7/2021, vốn thực hiện giảm 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước. Tình hình giải ngân vốn FDI trong 6 tháng vẫn khá tốt, nên tính chung 7 tháng vẫn ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã giảm đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong tháng 7/2021, chỉ có 1,26 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, thấp đáng kể so với con số 1,5 - 2 tỷ USD của các tháng trước.
Vốn giải ngân giảm tốc, vốn đăng ký cũng vậy. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tăng so với cùng kỳ, thì cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm. Nếu tính về số lượng dự án, thì giảm đều ở cả phần dự án mới, dự án tăng vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần.
Đây là điều rất đáng chú ý. Covid-19 diễn biến căng thẳng tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm.
Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhắc đến tín hiệu giảm mạnh về số lượng dự án, cũng như lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây.
Điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp
Thực tế, dòng vốn đầu tư suy giảm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Các báo cáo gần đây cho biết, xu hướng vốn FDI toàn cầu chậm phục hồi, áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Trước triển vọng phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm 2021, FDI toàn cầu có dấu hiệu cải thiện, với Chỉ số FDI toàn cầu tháng 3 đạt mức 855 điểm (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2020) - mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, sau đó tiếp tục ở mức cao, song các tổ chức quốc tế đều cho rằng, sự hồi phục là chưa chắc chắn.
Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vào đầu năm nay, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 40% trong năm 2020, dự báo giảm 5-10% trong năm 2021 và sẽ bắt đầu phục hồi chậm từ năm 2022. Còn theo dự báo của WB, ngay cả khi đại dịch dự kiến dần kết thúc vào năm 2021, thì mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 (sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).
Thực tế, dòng vốn vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi gặp nhiều thách thức do tác động của dịch bệnh và việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Tâm lý lo ngại rủi ro toàn cầu tăng đột biến đã kích hoạt hoạt động rút vốn cổ phần, đặc biệt từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Đặc biệt, làn sóng Covid-19 mới đây bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Á đang khiến dòng vốn FDI chảy vào khu vực này có xu hướng chậm lại.
Ngay như với Việt Nam, mặc dù được UNCTAD xếp hạng thứ 19 toàn cầu về thu hút FDI trong năm 2020, tăng 5 bậc so với năm 2019, song xu hướng giảm sút trong thu hút FDI bộc lộ khá rõ trong những tháng gần đây.
Ngoài yếu tố suy giảm chung của toàn cầu, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm trong những tháng gần đây còn có nguyên nhân từ Covid-19. Không chỉ các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế dịch chuyển.
Một tác động dễ thấy nhất của điều này là các hoạt động đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua bán - sáp nhập (M&A) đã giảm khá mạnh. “Đặc thù của M&A là cần có sự tham gia trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng nói.
Chưa kể, theo ông Hoàng, các nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới đều yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh, song không ít trường hợp không thể đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra.
Sự suy giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian qua còn được lý giải là do Việt Nam đang áp dụng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, việc các thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là một rào cản; hoạt động xúc tiến đầu tư thiếu sự chủ động, kém hiệu quả cũng đã ảnh hưởng tới kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
“Cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, các biện pháp được nhắc tới là tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn: báo đầu tư