“Mắt xích” cung ứng quan trọng của doanh nghiệp Mỹ
Một lượng hàng hóa trị giá xấp xỉ 94 tỷ USD sản xuất tại lãnh thổ Việt Nam đã được xuất khẩu ra khỏi biên giới tới thị trường Mỹ trong 10 tháng của năm 2022, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, thương mại 2 chiều đã vượt 111 tỷ USD.
Những con số nói trên là minh chứng rõ nét về việc các doanh nghiệp Mỹ coi trọng “mắt xích” cung ứng tại Việt Nam. Điều này đã được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ mới đây với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”.
Bà Pamela Phan, Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ, phụ trách Khu vực châu Á cho rằng, giai đoạn đại dịch 2 năm qua đã chứng kiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, thương mại Việt - Mỹ vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng, cho thấy Mỹ có nhu cầu lớn về trao đổi thương mại với Việt Nam.
“Các nhà nhập khẩu Mỹ luôn có nhu cầu hợp tác với Việt Nam, nhưng bước sang giai đoạn mới, cần hành động để nâng cao năng lực của mỗi cá thể trong chuỗi cung ứng đó nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh, an toàn, bền vững và minh bạch để tiến tới các mục tiêu chung”, bà Bà Pamela Phan nhấn mạnh.
Có chuyến thăm lần thứ 2 tới Việt Nam trong nhiệm kỳ Thống đốc bang Oregon, bà Kate Brown chia sẻ, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Nike, Dell, Intel... đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng. Càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ mang vốn tới Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam càng có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó trình độ và khả năng thích ứng được nâng lên.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp Mỹ liên tục mở rộng phạm vi đầu tư. Khi đón nhiều doanh nghiệp FDI, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn, tạo cơ sở đón thêm nhiều đơn hàng mới, thu hút các dòng vốn mới từ Mỹ và nhiều thị trường khác.
Bà Kate Brown tin tưởng vào tiềm năng phát triển thương mại 2 chiều trong giai đoạn tới, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. “Người dân bang Oregon ngày càng nhập nhiều hạt điều, cà phê, thủy sản từ Việt Nam và sẽ còn tăng mạnh nữa khi ngành nông nghiệp Việt Nam tiến lên nấc mới với các sản phẩm xanh, sạch và an toàn, chất lượng để đón các cơ hội xuất khẩu từ việc thực thi các FTA”, Thống đốc bang Oregon nói.
Thích ứng trong không gian hợp tác mới
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), Việt Nam đã có lộ trình hội nhập sâu và rõ ràng với các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Thời gian tới, khi quy mô thương mại 2 chiều ngày càng mở rộng, yêu cầu thay đổi sẽ càng lớn hơn với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, yêu cầu về các mắt xích trong chuỗi cung ứng sạch và ổn định, tiến tới cân bằng hơn được các đối tác Mỹ rất coi trọng trong giai đoạn này.
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM lưu ý, Việt Nam đã trở thành mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng, thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, từ sản xuất thiết bị bán dẫn cung cấp sức mạnh cho các thiết bị như điện thoại, đến ô tô, tấm pin mặt trời, hàng dệt may, giày dép…
Đổi lại, trong lộ trình đưa phát thải về 0 vào năm 2050 như đã cam kết, Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều hàng hoá và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Hiện, nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn Việt Nam tận dụng sự đổi mới và công nghệ đẳng cấp của Mỹ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, từ đó tạo ra những cơ hội mới đáng kể cho thương mại trong những năm tới.
Ngoài ra, một số lĩnh vực sản xuất lợi thế của Mỹ đang có dư địa xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam, chẳng hạn, ngành sản xuất bông Mỹ cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD bông/năm cho ngành dệt may. Thương mại 2 chiều có đi, có lại sẽ là nền tảng căn cơ, bền vững mà 2 bên cần chú trọng trong giai đoạn tới.
Các lĩnh vực gia tăng nhập khẩu từ Mỹ để tiến tới cân bằng thương mại, ngoài bông, xơ sợi còn có thức ăn chăn nuôi, trái cây, gỗ và sản phẩm gỗ, nhựa, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị…
Mối lo ngại lớn nhất đối với một số ngành xuất khẩu chủ chốt như dệt may, thủy sản hay đồ gỗ là đáp ứng quy định mới của Mỹ. Đơn cử, trong lĩnh vực dệt may, nếu các lô hàng xuất khẩu không kiểm soát chặt xuất xứ nguồn gốc bông, sẽ bị phía Mỹ cấm nhập khẩu, thiệt hại khi đó là vô cùng lớn.
Đối với thủy sản cũng có nhiều thách thức. Ông Nguyễn Trương Huy Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn chứng, với mặt hàng cá da trơn, Mỹ đã yêu cầu Việt Nam trong 18 tháng phải hoàn thiện hệ thống pháp lý an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, doanh nghiệp và nông dân cũng phải có sự chuyển đổi sản xuất từ khâu con giống - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu để đáp ứng tiêu chuẩn mới.