Không chỉ khó khăn trong chi phí, lựa chọn công nghệ áp dụng, việc chuyển đổi số còn gặp khó khăn do tính thiếu chủ động của doanh nghiệp logistics.
Có thể thấy, đúng như khẳng định của giới chuyên gia, logistics là "mạch máu" của nền kinh tế, quyết định đến tính cạnh tranh của từng quốc gia, của từng doanh nghiệp. Một ngành logistics vững mạnh là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19 toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi không nhỏ, việc chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm tiên tiến trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp trong ngành logistics đã giúp giảm thiểu các chi phí vận hành, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, không phải doanh nghiệp logistics nào cũng làm được như các doanh nghiệp kể trên, quá trình triển khai số hoá của nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp phải những khó khăn nhất định do chi phí lớn, không lựa chọn được công nghệ phù hợp.
Thực tế, ở Việt Nam hiện mới có 17 loại hình dịch vụ logistics đang được các doanh nghiệp trong ngành cung cấp ở mức độ khác nhau. Các phần mềm quốc tế chưa được ứng dụng nhiều nên có ứng dụng cũng không phù hợp.
Thêm vào đó, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số (bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán…) và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng là cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc chuyển đổi số nếu như một mình ngành logistics tự phát triển cũng không thể làm được hết bởi còn phải kết nối với hải quan, hãng tàu, khách hàng để đa dạng dịch vụ.
Thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam, hiện có khoảng 40% doanh nghiệp logistics của Việt Nam đã áp dụng chuyển đổi số, khá nhiều doanh nghiệp đã đi đầu như tại cảng Cát Lái đã áp dụng khai quan, và các dịch vụ khác hoàn toàn điện tử.
Trên thực tế, Việt Nam hiện có khoảng 4.000-4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và và có đến hơn 30.000 công ty liên quan, trong đó có khoảng hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với đó, một nguyên nhân khác được chỉ ra là tính thiếu chủ động của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi số.
Khẳng định chuyển đổi số cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành logistics nói riêng, ông Bình cho rằng phải dựa trên dữ liệu, trong khi đó, cơ sở dữ liệu của Việt Nam hiện lại rất phân tán.
Chia sẻ về những vấn đề dài hạn cần cải thiện để nâng cao chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam, ông Shighe Sakaki, Chuyên gia cao cấp phụ trách về giao thông vận tải Ngân hàng Thế giới cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất là chính sách và thứ hai là hạ tầng.
(Nguồn: tapchitaichinh.vn)