name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Ngoài năng lượng, hấp dẫn khác ở Việt Nam

02/12/2020339

 Bên cạnh đầu tư vào lĩnh vực truyền thống như năng lượng, doanh nghiệp Mỹ mở rộng quan tâm đầu tư sang 5-6 lĩnh vực hấp dẫn khác ở Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink khẳng định điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra cuối tuần trước.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ sẽ kích thích đầu tư vào lĩnh vực nào ở Việt Nam, ngoài năng lượng và hạ tầng năng lượng, thưa ông?

Chính phủ Mỹ rất tự hào cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là diễn đàn lần thứ 3 được tổ chức với sự tham dự của hơn 2.000 doanh nghiệp, đại diện chính phủ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Trọng tâm của Diễn đàn là khẳng định cam kết của Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng năng lượng, kinh tế số, kết nối thị trường, y tế và sự hồi phục kinh tế thời Covid-19.

Những kết quả đạt được tại Diễn đàn, đặc biệt là các đại diện phía Việt Nam và Mỹ đã ký kết hai hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, cho thấy cam kết đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào lĩnh vực hạ tầng năng lượng. Chẳng hạn, Tập đoàn AES vừa ký thỏa thuận liên doanh với PV Gas để phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD và điều này hứa hẹn sẽ có nguồn LNG nhập khẩu từ Mỹ trị giá hàng tỷ USD/năm về Việt Nam.

Bên cạnh đó, Delta Offshore Energy, General Electric và các đối tác khác đã ký thỏa thuận hợp tác tổng thể để phát triển Dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD. Tương tự Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, sẽ có nguồn LNG nhập khẩu lớn hàng tỷ USD từ Mỹ đối với dự án này.

Dịp này, có 7 thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được ký kết, với tổng trị giá 11,5 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam và là sự khẳng định cam kết của Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng, sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào các đối tác mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập ở toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng cam kết ủng hộ Việt Nam lớn mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Có rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam, nhưng có lẽ năng lượng là lĩnh vực đầu tư hàng đầu của Mỹ vào Việt Nam. Ngoài ra, bên cạnh lĩnh vực đầu tư truyền thống như sản xuất chế tạo, phía Mỹ rất quan tâm đầu tư vào 5-6 lĩnh vực hấp dẫn khác tại Việt Nam, gồm y tế, công nghệ cho thành phố thông minh, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin, nông nghiệp.

Thương chiến Mỹ - Trung đã diễn ra gần 2 năm nay, còn đại dịch Covid-19 kéo dài gần một năm nay trên toàn cầu. Một số kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã tính chuyện mở rộng sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vậy kế hoạch cụ thể của doanh nghiệp ra sao? Làn sóng dịch chuyển sản xuất này sẽ tiếp tục kéo dài không, thưa ông?

Tôi muốn nói về vấn đề này dưới góc độ người có trách nhiệm thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ và hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên. Nhìn chung, chúng tôi ủng hộ thương mại tự do, công bằng và đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời thúc đẩy xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hấp dẫn và có lợi cho doanh nghiệp Mỹ.

Đã có bài học lớn từ đại dịch Covid-19 rằng, doanh nghiệp/quốc gia không nên chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng, còn chúng tôi thấy rằng, Việt Nam đang cố gắng trở thành một điểm đến mục tiêu cho làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đó.

Chính quyền Mỹ không “căn dặn” khu vực tư nhân nên đầu tư ở đâu, lĩnh vực nào, nhưng chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và mang lại các cơ hội minh bạch cho nhà đầu tư Mỹ và các quốc gia khác. Nếu Việt Nam làm được điều này, thì đôi bên cùng có lợi.

Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Phía Mỹ sẽ phối hợp tham gia thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam ra sao?

Nói chung, mục tiêu của phái đoàn Mỹ tại Việt Nam là tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực và mong muốn hỗ trợ Việt Nam gặt hái thành công. Tất nhiên, trong đó có nỗ lực thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, ủng hộ thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi.

Cụ thể, chúng tôi hợp tác với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các chính sách mà chúng tôi cho rằng sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Mỹ. Chúng tôi tập trung hỗ trợ Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tự do, công bằng, cởi mở và minh bạch, ổn định và được vận hành trên cơ sở quy định pháp luật.

Điều quan trọng nữa chúng tôi ưu tiên là thúc đẩy các dự án cụ thể, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, như các thỏa thuận được ký kết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần này. Những thỏa thuận hàng tỷ USD đó thể hiện trách nhiệm của hai bên trong việc cam kết thực hiện. Đó là những thỏa thuận rất chi tiết và những gì chúng tôi làm là giúp doanh nghiệp/đối tác hai bên hiểu biết lẫn nhau và giải quyết các vấn đề có thể xảy ra.

Ngoài ra, chúng tôi đóng vai trò là cầu nối giữa hai nước và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu các cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ; đưa cộng đồng doanh nghiệp của hai bên xích lại gần nhau hơn.

(Nguồn: baodautu.vn)

0945719795