Một trong những mục tiêu chính của Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ) là “Hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp”. Theo đó, hỗ trợ liên kết và tăng cường kết nối với chủ hàng là một trong những nội dung hết sức cần thiết, góp phần cải thiện kinh doanh, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10% theo đúng mục tiêu của Quyết định.
Phát triển dịch vụ logistics là một trong những yêu cầu để nâng giá trị gia tăng cao, phát triển sản xuất hàng hóa thương mại hàng hóa của Việt Nam. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam và các doanh nghiệp ngành đường sắt, đường hàng không đã có những nỗ lực đổi mới để đáp ứng nhu cầu của các chủ hàng trong nước. Có thể nói, ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ vào kết quả xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam-vốn được đánh giá nằm trong tốp các quốc gia có sự tăng trưởng, bứt phá tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực logistics của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức như: chi phí logistics tại Việt Nam còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp chủ hàng.
Trong khi đó, sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam cho thấy thị trường logistics nước ta nhiều tiềm năng và hấp dẫn nhưng cũng sẽ trở nên cạnh tranh gay gắt hơn, đặc biệt là áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp logistics nước ngoài- vốn có lợi thế hơn trong quan hệ với các doanh nghiệp chủ hàng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, các ngành vận tải hàng không, đường sắt là những ngành chịu tác động nặng nề do lượng hành khách đi lại sụt giảm. Để hạn chế tác động của dịch bệnh, bù đắp sự sụt giảm doanh thu vận tải hành khách, cả ngành đường sắt và ngành hàng không đều đang không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện dịch vụ nhằm đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa. Cụ thể, ngành hàng không đã tăng cường chuyển đổi máy bay chở khách thành máy bay chở hàng, tăng năng lực chuyên chở hàng hóa, góp phần đưa cước phí vận tải về mức hợp lý. Ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe, triển khai khai thác vận chuyển container lạnh tự hành, cung cấp dịch vụ vận tải khép kín, v.v... và gần đây, các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế sang Trung Quốc đã được đưa vào khai thác với nhiều ưu thế như thời gian vận chuyển được rút ngắn, thủ tục thông quan chính ngạch tại cửa khẩu ga Đồng Đăng - Bằng Tường nhanh chóng và thuận lợi, hàng hóa có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc mà không cần chuyển tải.
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng nằm trong nhóm các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, v.v...
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp chủ hàng do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức “truyền thống”, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta. Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không hiện nay chưa nhiều do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt, v.v... Việc chỉ tập trung khai thác vận tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam do chi phí vận tải đường bộ khá cao, bên cạnh đó vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu do năng lực thông quan tại các cửa khẩu không đáp ứng được lượng hàng hóa xuất khẩu lớn khi vào dịp cao điểm.
Để góp phần đa dạng hóa phương thức vận tải, tận dụng những ưu thế hiện có của vận tải đường sắt và đường hàng không nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, chiều ngày 8 tháng 9 năm 2020, trong khuôn khổ thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó có nội dung tạo thuận lợi thương mại, kết nối các chủ hàng và doanh nghiệp logistics, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không”.
Hội nghị có sự tham gia của các doanh nghiệp chủ hàng trong lĩnh vực nông sản và các doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải đường sắt, đường hàng không như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Vietjet Air Cargo, Bamboo Airways. Các doanh nghiệp logistics đã tập trung giới thiệu chi tiết về các phương thức vận tải này, cung cấp các gói ưu đãi nhằm kích cầu vận tải hàng hóa, đồng thời sẽ giải đáp những thông tin liên quan về dịch vụ, về cước phí, v.v... Đây cũng là dịp để kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không nhằm tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng nông sản.
Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề sau đây:
- Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản cắt giảm chi phí logistics thông qua vận chuyển đường sắt;
- Đẩy mạnh vận chuyển nội địa và xuất khẩu nông sản qua đường hàng không;
- Giải pháp đưa nông sản Việt ra thế giới.
Phân tích các cơ hội và thách thức mới thời kỳ hậu Covid-19, ông Quang hy vọng Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh sẽ trở thành các hub vận chuyển hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng của Việt Nam, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam. Để làm được điều đó, cần nhanh chóng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các sân bay, trong đó có hệ thống kho lạnh, đầu cắm lạnh.
Ông Quang cũng đề xuất thành lập một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa (Air cargo) của Việt Nam để chuyên môn hóa hoạt động trong phân khúc này thay vì chỉ tận dụng chở hàng trên các chuyến bay chở khách.
Trước mắt, các công ty chủ hàng có thể liên hệ Vietjet Air để sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường hàng không với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian tới, Vietjet Air dự kiến đưa ra thị trường dịch vụ máy bay chuyên chở hàng freighter với tuyến bay thẳng sang hoa Kỳ- đây sẽ là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp chủ hàng xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ.
Đối với Bamboo Airways, đến nay đã có 25 tàu bay, trong đó có 3 tàu thân rộng. Trong tháng 10/2020 sẽ có tuyến bay mới đi Côn Đảo. Bamboo Airways đã có sự phát triển nhanh ở các tuyến bay quốc tế. Do tác động của Covid-19, hãng tập trung khai thác thị trường nội địa. Bamboo Airways đang có freighter đi Frankurt với tần suất 01 chuyến/tuần, tổng tải là 38 tấn, đi Hàn Quốc một tuần 3 chuyến với tổng tải là 40 tấn. Hãng kết hợp chở khách và chở hàng trên các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước (từ Đài Loan (TQ), Australia, Hoa Kỳ). Máy bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc, Braha, Australia, Hoa Kỳ sẽ là máy bay trống để sang đón công dân về nước, do đó nếu các doanh nghiệp có nhu cầu chở hàng sang các thị trường này thì có thể liên hệ với Bamboo Airways.
Các doanh nghiệp nông sản cũng đã chia sẻ thông tin về nhu cầu và những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp nông sản của Việt Nam về logistics.
Đại diện Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cho rằng nhu cầu thương mại xuyên biên giới sẽ rất cao trong thời gian tới. Các giao dịch thương mại điện tử cũng sẽ thúc đẩy các nhu cầu này. Tuy nhiên các doanh nghiệp logistics và các chủ hàng cần có sự trao đổi cụ thể để đảm bảo tải hàng hóa và thời gian phù hợp.
Từ những trao đổi, chia sẻ thông tin trên, các doanh nghiệp dịch vụ đường sắt, đường hàng không và các doanh nghiệp chủ hàng đều nhận định cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và các chủ hàng, để thường xuyên cập nhật, nắm bắt được năng lực và nhu cầu của nhau. Do đó, trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ kí thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng gồm:
- MOU giữa Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và công ty Ratraco
- TMS Trading và Bamboo Airways.
Hy vọng đây sẽ là những cơ sở ban đầu cho một hành trình kết nối các doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp logistics, mở ra các cơ hội mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và hàng hóa của Việt Nam nói chung. Thời đại công nghiệp 4.0 và những điều kiện khách quan biến động khó lường đặt ra những yêu cầu mới về đầu tư phát triển chuỗi cung ứng, trong đó có sự bứt phá của ngành logistics Việt Nam để trực tiếp đưa hàng hóa Việt Nam đi xa hơn và bền vững hơn trên thị trường quốc tế.
(Nguồn: logistics.gov)