name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Những ngành nghề dự báo hút lao động

08/05/2023380

Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến thị trường lao động cũng có nhiều biến động. Nhiều ngành nghề hấp dẫn trong những năm gần đây bỗng chốc bị “đóng băng”, tê liệt. Những ngành nghề gắn liền với công nghệ thông tin, công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng cần thiết hơn.

Ngành công nghệ có nhu cầu lớn

Gần đây, Chính phủ đã có các chính sách nhằm giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp này cũng ngày càng cao, đặc biệt là trong các ngành nghề công nghệ cao như điện - điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, IoT (Internet of Things - Internet vạn vật),…

Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh dự báo, nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh năm 2023 cần khoảng 280.000 - 300.000 lao động hoặc từ 300.000 - 320.000 lao động, tùy thuộc sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu với lao động đã qua đào tạo và tiếp tục tập trung ở khu vực dịch vụ, công nghiệp.

Nếu phân loại theo nhóm ngành nghề, nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu (57,69%). Cụ thể là các ngành: thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh cũng chiếm 20,31%, gồm các ngành: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su. Còn lại 22,01% ở các nhóm ngành nghề khác.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chip bán dẫn nói riêng và công nghệ trên toàn cầu, đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành công nghệ Việt Nam nói chung và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào. Với 100 triệu người ở thời điểm dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới.

Cũng đánh giá ngành công nghệ thông tin luôn có nhu cầu tuyển dụng ổn định và được dự báo là một lĩnh vực tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm 2023, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, với sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình thị trường lao động đã có những chuyển động tích cực trong quý 1/2023. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vì thế tiếp tục gia tăng.

Trong quý 1, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 – 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game...

“Ngoài các nhóm ngành trên, nhờ có nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành, thúc đẩy hoạt động phục hồi và tăng trưởng mạnh nên dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch cũng hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong giai đoạn tiếp theo. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của nhóm này khoảng 10.000 - 12.000 vị trí”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết thêm.

Báo cáo Khảo sát lương 2023 được Navigos Group công bố trước đó cũng phần nào củng cố nhận định rằng công nghệ thông tin là ngành luôn có nhu cầu tuyển dụng tốt, nhất là sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin đã có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, các doanh nghiệp với dữ liệu khách hàng lớn như ngân hàng, viễn thông và bán lẻ đã tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Thị trường của nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự báo về những ngành nghề hút lao động trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc trưng của thị trường lao động ngày nay chính là tự do di chuyển, hội nhập toàn cầu. Thời đại công nghiệp 4.0 đã gắn kết, đan xen vào nhiều ngành nghề để mở rộng thị trường lao động, mở rộng các ngành nghề. Trong thời gian sắp tới, nhu cầu nguồn nhân lực đang thiếu hụt rất lớn. Nhóm ngành nghề sẽ cần bổ sung nguồn nhân lực là: nhóm ngành về kỹ thuật công nghệ (kể cả những ngành về khoa học tự nhiên). “Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 35% tỷ trọng nguồn nhân lực đang thiếu hụt trong nước. Trong đó, các lĩnh vực như tự động hóa, công nghệ ô tô, điện – điện tử, các nhóm ngành về kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật ứng dụng, các nhóm ngành về công nghệ xây dựng, vật liệu, công nghệ môi trường… đang rất hút lao động”, ông Trần Anh Tuấn đánh giá.

Nhóm ngành thứ hai là lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo ông Trần Anh Tuấn, sinh viên đam mê nhóm ngành này có thể làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, sinh viên cần phải học tập chuyên sâu về an toàn thông tin, bảo mật mạng, các nhóm ngành về lập trình, trí tuệ nhân tạo... sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm tốt nhất.

Nhóm ngành thứ ba là về quản trị kinh doanh, tài chính, hành chính pháp luật. Đây là nhóm ngành đang chuyển động cực nhanh, cực mạnh gắn liền với công nghệ. Các lĩnh vực như: logistics và chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, digital marketing, truyền thông đa phương tiện, tài chính, kế toán, ngân hàng… cũng đang chuyển đổi theo hướng công nghệ số nên nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn.

Nhóm ngành thứ tư là nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Trong đó, nhóm ngành này đang cần bổ sung nguồn lực nhanh về du lịch, nhà hàng – khách sạn, ẩm thực và các nhóm ngành về sư phạm, luật, ngôn ngữ, tâm lý chuyên ngành.

Nhóm ngành thứ năm là nhóm ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhóm ngành này có thể nhìn rộng hơn về các lĩnh vực như điều dưỡng, y dược, nghiên cứu tế bào gốc, nghiên cứu gene, dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và nhóm ngành chăm sóc sức khỏe.

Cuối cùng là nhóm ngành về công nghệ cao trong nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi thú y, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy hải sản, công nghệ sinh học, hóa dược, hóa sinh, hóa mỹ phẩm…

“Thị trường lao động sắp tới là thị trường của công nghệ số, thị trường của nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường dành cho những con người biết lựa chọn ngành nghề, học tập thật đúng để có giá trị nghề nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: báo Hải Quan

0945719795