Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty DKRA Vietnam vừa công bố, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.
Theo đơn vị này, trong tháng 7.2021, phân khúc Condotel không ghi nhận dự án mới mở bán. Dự kiến, trong tháng 8, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu phân khúc Condotel có thể dần hồi phục, tuy nhiên khó có sự đột biến và tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Thuận. Với loại hình biệt thự biển, tháng 7 ghi nhận 4 dự án mở bán, tăng nhẹ so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 12%. Lượng tiêu thụ mới tăng nhưng vẫn còn ở mức rất thấp.
Theo DKRA Vietnam, hiện nay nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông chuẩn bị, dự kiến sang tháng 8 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
Ở loại hình nhà phố/shohouse biển, trong tháng 7 chỉ có 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 26 căn, bằng 11% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, bằng 3% so với tháng 6/2021. Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng do dịch bệnh bùng phát khiến nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng sụt giảm mạnh so với tháng trước.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm” cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng hơn 100 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn như trước, giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Điều này do 2 nguyên nhân là nguồn cung hạn chế và tâm lý “cố thủ, chờ đợi” của các nhà đầu tư xem diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Anh Đoàn Việt, ngụ ở TP.HCM là nhà đầu tư một số căn hộ condotel tại Khánh Hoà và Đà Nẵng cho biết, cuối năm 2019, anh đã bỏ ra gần 10 tỉ đồng để đầu tư căn hộ condotel với hy vọng sẽ có thêm thu nhập hàng tháng từ việc cho thuê căn hộ. Tuy nhiên, 2 năm qua, các đợt dịch liên tiếp bùng phát khiến anh rơi vào thế phải “ôm bom”, căn hộ anh đầu tư gần như bỏ trống và chưa biết đến bao giờ mới có khách thuê. Căn hộ không có khách thuê, trong khi lãi hàng tháng phải trả lên đến cả trăm triệu đồng. Hiện tại, anh rao bán với mức giá giảm tới 20% nhưng vẫn chưa thể bán để cắt lỗ.
Không chỉ khách hàng cá nhân, mà nhiều chủ đầu tư dự án condotel cũng phải thay đổi chiến lược bán hàng bởi những lo ngại về thanh khoản. Đại diện đơn vị phân phối một dự án condotel tại khu vực Hồ Tràm cho biết, năm ngoái, chủ đầu tư của dự án này đã giới thiệu ra thị trường hơn 200 biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse và 1.500 căn hộ condotel. Nhưng đến nay, sau hơn một năm chuẩn bị, chủ đầu tư chưa tung sản phẩm condotel ra thị trường vì tình hình quá khó khăn.
DKRA Vietnam dự báo, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, hoạt động du lịch bị suy giảm nghiêm trọng nên từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể nói gần như rơi vào trạng thái "ngủ yên".
Nguồn: Báo Lao Động