Đây kết quả thảo luận tại cuộc họp mới đây của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh về triển khai Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Theo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ưu tiên nguồn lực lớn để thúc đẩy phát triển KKT Quảng Yên. Trong đó, KCN Sông Khoai được xác định là KCN trọng điểm, tạo nền tảng cơ bản và những bứt phá cho KCN này.
Để KCN, KKT là động lực phát triển, là hạt nhân tạo ra năng lực mới cho thu hút đầu tư, cần tập trung xây dựng KCN Sông Khoai trở thành KCN trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và vùng đồng bằng Sông Hồng, thu hút đầu tư FDI thế hệ mới, có chọn lọc. Đồng thời, xây dựng KCN này đảm bảo đồng bộ, hiện đại, thông minh về kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN theo mô hình phát triển xanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao, phát triển theo mô hình đô thị, dịch vụ. Mục tiêu trong năm 2024, KCN Sông Khoai sẽ thu hút ít nhất 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trong nước và FDI.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai, thuộc KKT ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 với tổng vốn đầu tư 155,5 triệu USD do Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) làm chủ đầu tư.
KCN Sông Khoai được đầu tư theo 5 giai đoạn, với tổng mức đầu tư 155 triệu USD. Sau năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, KCN Sông Khoai đang là một KCN dẫn đầu về tốc độ thu hút vốn đầu tư FDI trong KKT ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, KCN Sông Khoai cùng với các KCN khác trên địa bàn tỉnh còn tạo ra rất nhiều việc làm, để cho hơn 16.000 người lao động là người Quảng Ninh đang làm việc tại địa phương khác có cơ hội trở về quê hương làm việc.
Về thu hút đầu tư, KCN Sông Khoai có 15 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.382 triệu USD, tổng diện tích sử dụng đất là 132,5 ha, suất vốn đầu tư bình quân 17,98 triệu USD/ha đất công nghiệp. Riêng năm 2023, KCN đã thu hút được 13 dự án FDI mới, điều chỉnh 2 dự án tăng vốn thêm 5 triệu USD với tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 1,401 tỷ USD. Tất cả những dự án thứ cấp mà Tập đoàn Amata thu thú hút được đều thuộc lĩnh vực công nghệ chế biến - chế tạo, công nghiệp phụ trợ, theo đúng định hướng thu hút của tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu năm 2024, KCN Sông Khoai thu hút ít nhất 1,5 tỷ USD.
Theo đại diện Tập đoàn Amata, việc thu hút được các dự án công nghiệp thân thiện môi trường, có công nghệ cao là sự hiện thực hoá mục tiêu xây dựng KCN Sông Khoai trở thành KCN kiểu mẫu và xanh, điểm đến đầu tư an toàn và bền vững, là lõi của Khu đô thị thông minh, hiện đại sau này. Đồng thời, cũng sẽ tạo nhu cầu về nơi ở, tiện ích thương mại, dịch vụ.
KCN có tổng diện tích 714 ha. Đến nay, tổng diện tích đã bồi thường, GPMB của dự án là 385 ha, đạt khoảng 54,02%; đã thực hiện thi công san lấp diện tích 180 ha. Hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước đã được đấu nối đến KCN đồng bộ với nhu cầu của KCN Sông Khoai. Dự án cũng hoàn thành 2 làn đường gom với chiều dài 1,5 km thuộc đường trục chính Đông – Tây và đang tập trung thực hiện tuyến đường trục chính KCN.
Để xây dựng KCN Sông Khoai trở thành KCN trọng điểm của tỉnh và vùng đồng bằng Sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh cần huy động sức mạnh tổng hợp cùng nhà đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong và ngoài KCN theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tập trung vào công tác GPMB đảm bảo giao đất, cho thuê đất theo tiến độ. Tỉnh Quảng Ninh sẽ đồng hành với nhà đầu tư KCN trong đổi mới công tác thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy và hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái công nghiệp và hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.
Theo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương này cần khắc phục những hạn chế bất cập trong GPMB, giao đất, cho thuê đất và sớm hoàn thành giai đoạn 2 của dự án trong tháng 12/2023. Đến quý I/2024, hoàn thành giai đoạn 3 của dự án. Riêng đối với tuyến đường trục chính Đông – Tây, phải hoàn thành sớm các hạng mục để đảm bảo kết nối, khai thác đồng bộ với các dự án hạ tầng giao thông tỉnh đầu tư, trước mắt ưu tiên đoạn 1,5 km. Đối với nhà đầu tư KCN, cần hoàn thiện đồng bộ các hạ tầng phía trong KCN phục vụ triển khai dự án của các nhà đầu tư thứ cấp; quan tâm làm tốt công tác thu gom xử lý rác thải, nước thải…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, việc đồng bộ về hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh cùng các chiến lược kinh tế bài bản tại KKT ven biển Quảng Yên sẽ giúp vùng đất này trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Ninh cũng như khu vực đồng bằng sông Hồng và hướng tới là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long thì hiện nay, phía Công ty đang phối hợp chặt chẽ và được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương Thị xã Quảng Yên để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng các giai đoạn còn lại cho nhà đầu tư.
Nguồn: báo Đầu tư