Khu vực trọng điểm thu hút đầu tư
Chia sẻ thông tin tại một sự kiện xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT mới đây, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, theo khảo sát của cơ quan này với hơn 700 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chỉ 31% câu trả lời dự báo lợi nhuận năm 2021 tăng, nhưng trong năm 2022, có tới 56% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng, vượt qua mức trung bình của các nước Đông Nam Á. Với sự lạc quan này, Việt Nam đứng đầu trong các nước được khảo sát về kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp Nhật Bản trong 1-2 năm tới.
Do đó, đầu tư, phát triển các KCN, KKT đang là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, cả nước có 395 KCN; 26 khu kinh tế cửa khẩu; 18 khu kinh tế ven biển.
“Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút dự án đầu tư, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới”, ông Quân cho hay.
Theo số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, tính đến cuối tháng 10/2021, đã có 10.996 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%. 10.211 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,5%.
Giải pháp của doanh nghiệp song hành cùng chính sách
Về định hướng phát triển KCN, KKT, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, Chính phủ hướng tới phát triển phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, tiến tới cân bằng trong phát triển KCN, KKT để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội.
Để thực hiện định hướng này, Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT, chính sách nhà ở công nhân…
Đề xuất giải pháp thu hút đầu tư vào KCN, KKT theo hướng phát triển mô hình KCN sinh thái gắn với phát triển bền vững, ông Phạm Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, sau một thời gian dài nỗ lực xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN sinh thái, giúp doanh nghiệp giảm tác động môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, đến nay, thương hiệu KCN Nam Cầu Kiền đã nhanh chóng lan tỏa đến các đơn vị đối tác, khách hàng.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB, các ngân hàng cũng đang có nhiều chính sách vay ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư vào KCN. Đơn cử, MB đang áp dụng lãi suất cho vay với bất động sản KCN thấp hơn 1% so với lãi suất cho vay bất động sản thông thường, dù hệ số rủi ro lĩnh vực này đang cao hơn.
Ông Lê Thành Quân cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 về quản lý KCN và KKT, trong đó bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc phát triển mô hình KCN, KKT mới.
Để tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của các KCN, KKT, với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, ông Quân khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý và ưu đãi đầu tư của KCN, KKT; phát triển các mô hình KCN, KKT với chất lượng quy hoạch, trình độ quản lý và hạ tầng kỹ thuật cao hơn; nâng cao tính liên kết, hợp tác giữa các KCN, KKT.
Nguồn: báo Đầu tư