Vẫn nhiều nhóm hàng có kim ngạch “tỷ USD”
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 10/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỷ USD, giảm khoảng 3 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam xuất siêu gần 200 triệu USD.
Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện (gần 2,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,75 tỷ USD); máy móc, thiết bị (1,73 tỷ USD); dệt may (1,25 tỷ USD). Trong khi đó, nhập khẩu có 2 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gần 3,2 tỷ USD); máy móc, thiết bị (1,8 tỷ USD).
Một phân tích cụ thể hơn của Tổng cục Hải quan được công bố vài ngày trước đó cho biết, trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 53 tỷ USD. Dù cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều vẫn đang giảm nhẹ so với tháng trước nhưng tốc độ sụt giảm đã được cải thiện hơn nhiều.
Hết tháng 9, 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên và đều có tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là: điện thoại và linh kiện đạt 41 tỷ USD, tăng 11,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 36,56 tỷ USD, tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 26,17 tỷ USD, tăng 44,1%; dệt may đạt 23,4 tỷ USD, tăng 5,6%; giày dép 13,3 tỷ USD, tăng 9,7%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 11 tỷ USD, tăng 30,6%.
Nhìn vào bảng thống kê kim ngạch chung tháng 9 có thể thấy một số điểm sáng của xuất khẩu tháng 9. Đó là 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất hiện nay là điện thoại và máy vi tính tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Điện thoại tăng 2,5% so với tháng 8; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,5%. Bên cạnh đó, các nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo cũng dần phục hồi.
Một điểm sáng đối với hoạt động xuất khẩu là sự phục hồi bước đầu của TP. Hồ Chí Minh. Tháng 9, xuất khẩu của thành phố đạt 3,363 tỷ USD, tăng 33% so với tháng 8, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD. Với việc TP. Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có sản xuất, xuất khẩu, các cảng biển lớn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quay trở lại. Cùng với các giải pháp tạo thuận lợi sẽ giúp DN ở các tỉnh, thành miền Nam rộng cửa nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị,… phục vụ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Bởi vậy, hoạt động xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng trưởng tích cực trong quý IV.
Chiều nhập khẩu vẫn còn nhiều thách thức khi kim ngạch trong tháng đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% về số tương đối, tương ứng giảm 672 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Các mặt hàng có trị giá giảm so với tháng trước là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, giảm 8,3%; than đá giảm 35,5%; chất dẻo nguyên liệu giảm 16,7%...
Song tính chung lại, tổng trị giá nhập khẩu trong 3 quý của năm 2021 là 243,18 tỷ USD, vẫn tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 31,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 39,2%...
Vẫn cần sự nỗ lực
Thống kê sơ bộ mới nhất, từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 510 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt 256,45 tỷ USD. Như vậy, để đạt mốc kim ngạch 600 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm nay hoàn toàn là điều khả thi.
Tuy nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực, song, để có thể sớm hồi phục năng lực sản xuất, xuất khẩu, cộng đồng DN cần tiếp tục phát huy sự nỗ lực, “tự thân vận động” như thời gian vừa qua, đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra để vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN, người lao động có thể thuận lợi phục vụ sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Từ phía cơ quan quản lý, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong đó cho phép DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc.
Tổng cục Hải quan cũng đã xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng; tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại DN; tạm dừng kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, không để DN lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu,…
Nguồn: báo Tài chính