Con số này, trên thực tế, không gây quá nhiều bất ngờ. Bởi chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong cuộc họp với các địa phương tuần trước để thảo luận việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng đã đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,5-4% trong năm nay nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9/2021.
Khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, nơi đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, dự báo sẽ tăng trưởng âm 0,13%, giảm sâu so với mức 6,5% dự tính trước đó. Các khu vực kinh tế còn lại, dù vẫn có tăng trưởng khá, nhưng không đủ sức để kéo nền kinh tế bật lên.
Tổng cục Thống kê tính toán, tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong 6 tháng ước đạt 5,64%. Nếu cả năm, mức tăng trưởng chỉ là 3,5-4%, hay là 3,8% như dự báo của ADB, thì có nghĩa tăng trưởng kinh tế của quý III và quý IV ở mức không khả quan.
Thực ra, không quá khó để nhận ra điều đó. Lý do là trong quý III, hàng loạt địa phương ở khu vực phía Nam thực hiện giãn cách kéo dài, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, doanh nghiệp bị đóng cửa hàng loạt. Ở phía Bắc, ngay cả Hà Nội cũng hơn một tháng rưỡi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2021, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng nhận định, đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ khoảng 4,8%. Một loạt tổ chức quốc tế cũng lần lượt hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Rõ ràng, những thách thức với nền kinh tế là rất lớn, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong tuần sau, các số liệu thống kê chính thức về kinh tế quý III mới được Tổng cục Thống kê công bố. Nếu con số kém khả quan thì điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu. Điều quan trọng là, từ con số cập nhật về kinh tế quý III và 9 tháng, phải tiếp tục điều chỉnh kịch bản tăng trưởng để làm sao, có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay. Trọng trách này đang được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Còn hiện tại, các đánh giá từ các chuyên gia, các tổ chức kinh tế đều chỉ ra rằng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức bao nhiêu là phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống dịch, độ phủ vắc-xin cũng như tiến trình mở cửa lại nền kinh tế sớm hay muộn.
Con số được công bố, đó là hơn 35 triệu liều vắc-xin đã được tiêm ở Việt Nam. Thực ra, với dân số gần 100 triệu người, tỷ lệ đó không lớn. Số lượng người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin còn rất nhỏ.
Trong khi đó, ADB đưa ra dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh công tác tiêm chủng. Các hợp đồng mới mua vắc-xin liên tiếp được ký, gần nhất là 10 triệu liều với Cuba. Công tác ngoại giao vắc-xin cũng không ngừng được đẩy mạnh. Khi tỷ lệ vắc-xin được tiêm cao hơn, cơ hội mở cửa lại nền kinh tế càng đến gần hơn.
Tuy vậy, trong khi chưa thể mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, mở cửa dần dần, từng bước là điều nên làm. Các biện pháp chống dịch, có thể cũng cần phải điều chỉnh lại.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, trong hội nghị mới đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chỉ đạo rằng, không thể chỉ vì có một F0 mà đóng cửa một nhà máy. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp cũng đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Nhờ đó, những rủi ro, thách thức của nền kinh tế sẽ vơi dần…
Kinh tế Việt Nam - như nhận định của ADB - dù còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn vẫn rất lớn!
Nguồn: báo Đầu tư