Môi trường kinh doanh phù hợp hơn cho DNNVV
Để đánh giá về sự tương thích của chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam trong thực thi các cam kết về DNNVV trong các FTA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc họp tham vấn về “Đánh giá chính sách, pháp luật hiện hành Việt Nam với các cam kết về DNNVV trong các FTA mà Việt Nam tham gia”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), tính tới cuối năm 2021, Việt Nam đã ký kết và triển khai thực thi tổng cộng 15 FTA, trong đó các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP, RCEP… đã đưa DNNVV thành một vấn đề vào văn kiện cam kết với các chương riêng hoặc các cam kết đặc thù.
Bà Trang cho rằng, việc thực thi hiệu quả các cam kết về DNNVV trong các FTA này được kỳ vọng sẽ giúp DNNVV Việt Nam có được môi trường kinh doanh phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các DNNVV khai thác các cam kết FTA, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội và chuẩn bị hiệu quả hơn trước các thách thức từ các FTA.
Tại cuộc họp, các chuyên gia của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (USAID Link SME) đã trình bày một số kết quả tại dự thảo nghiên cứu “Rà soát chính sách, pháp luật Việt Nam với các cam kết về DNNVV trong các FTA của Việt Nam” do USAID LinkSME hỗ trợ VCCI thực hiện dựa trên nghiên cứu tính tương thích của pháp luật, chính sách nội địa với yêu cầu của các cam kết trong 4 FTA là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh – Bắc Ailen (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo đó, qua rà soát và đánh giá, nghiên cứu cho thấy, pháp luật, chính sách Việt Nam liên quan tới DNNVV hiện cơ bản đã tương thích đầy đủ với các cam kết về DNNVV của 04 FTA.
Trong phần lớn các trường hợp, Việt Nam đã tận dụng khá tốt các bảo lưu về các biện pháp dành riêng cho DNNVV trong các cam kết FTA, đặc biệt là trong các khía cạnh về trợ cấp, hỗ trợ tài chính cho DNNVV… Việt Nam cũng bảo đảm triển khai trên thực tế các cam kết về hệ thống pháp luật có thể dự đoán trước và thủ tục hiệu quả hay việc cung cấp thông tin cho DNNVV tận dụng hiệu quả các FTA…
Cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hà, chuyên gia tư vấn của USAID Link SME cho hay, về vấn đề trợ cấp, hỗ trợ dành cho DNNVV, cả 4 FTA đều có cam kết nội dung này. Kết quả rà soát cho thấy, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật về hỗ trợ DNNVV với các biện pháp ưu đãi, trợ cấp, hỗ trợ ở các khía cạnh khác nhau cho DNNVV, bao gồm những chính sách, quy định được áp dụng ổn định hoặc tạm thời hoặc một lần cho các DNNVV.
Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh, Việt Nam còn chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép nên cần nghiên cứu để tiếp tục bổ sung các chính sách, quy định pháp luật về các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp cần thiết cho DNNVV, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19.
Về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, nghiên cứu chỉ ra, ngoại trừ CPTPP, 3 FTA còn lại đều có các cam kết về DNNVV, tập trung vào ba khía cạnh: cam kết chung về đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo thủ tục hiệu quả, giảm chi phí, tăng tính dự báo cho DNNVV; cam kết về điều kiện nộp đơn xin xác định trước, nếu có, phải tính tới các DNNVV; cam kết về nỗ lực ở mức có thể để không đặt ra các tiêu chí xác định doanh nghiệp ưu tiên theo hướng hạn chế DNNVV.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù đều có chương về thương mại điện tử, chỉ có CPTPP và RCEP có cam kết về DNNVV trong lĩnh vực này, nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác hỗ trợ DNNVV vượt qua các rào cản để tham gia thương mại điện tử.
Nghiên cứu cho biết, pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã hình thành khung khổ pháp lý cơ bản về thương mại điện tử, và đang hoàn thiện khung khổ này, đặc biệt ở các khía cạnh rất có ý nghĩa với DNNVV (ví dụ thương mại điện tử thông qua mạng xã hội). Việt Nam cũng có các quy định pháp luật (hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số) và các chương trình với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ DNNVV khắc phục các tồn tại, tham gia hiệu quả vào thương mại điện tử…
Với những vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, trong một số lĩnh vực, hoặc là Việt Nam chưa tận dụng hết quyền được phép để hỗ trợ DNNVV hoặc là chưa bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu cam kết… nên cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các quy định trong các văn bản pháp luật, chính sách liên quan.
Nguồn: báo Hải quan